Thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội: Nhiều việc làm được nhưng còn hạn chế cần khắc phục

10/05/2022 5:32 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 10/5, HĐND TPHCM tổ chức buổi giám sát UBND Thành phố về tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội: Nhiều việc làm được và chưa làm được - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại buổi giám sát - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Thành phần đoàn giám sát có bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; về phía UBND Thành phố có bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố dự buổi giám sát.

TPHCM là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Chính vì lẽ đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 16 năm 2012 và Kết luận 21 năm 2017; Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Trên cơ sở đó, Thành ủy TPHCM cũng ban hành Nghị quyết 08, HĐND ban hành Nghị quyết 25, UBND Thành phố cũng ban hành Kế hoạch 8127 để cụ thể hóa nội dung trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết 54.

Nghị quyết 54 được quy định với 4 lĩnh vực: Quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính-ngân sách và cơ chế phân cấp, ủy quyền; chế độ, chính sách cho cán bộ công chức, viên chức.

Rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ dự án

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết, UBND Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Về quản lý đất đai, HĐND đã ban hành 3 nghị quyết, thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên và một nghị quyết để hủy bỏ một dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên. Cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết 54 đã giúp cho Thành phố rút ngắn thời gian để làm hồ sơ gửi Bộ TN&MT cũng như Bộ NN&PTNT trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. "Nếu không có Nghị quyết 54, một bộ hồ sơ như vậy phải mất 6 tháng để giải quyết", bà Nguyễn Thị Lệ cho hay.

Về quản lý đầu tư, HĐND Thành phố cũng đã thông qua 3 nghị quyết để quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án nhóm A, sử dụng vốn ngân sách thành phố với tổng vốn đầu tư hơn 12.954 tỷ đồng. Cũng nhờ Nghị quyết 54 mà Thành phố có thể nhanh chóng điều chỉnh quy mô tổng mức đầu tư của một dự án từ nhóm B sang nhóm A để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Chủ tịch HĐND Thành phố cho biết.

Về cơ chế phân cấp, ủy quyền, theo người đứng đầu HĐND TPHCM, từ Nghị quyết 54, Chủ tịch UBND Thành phố cũng đã ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND Thành phố. Qua việc thực hiện ủy quyền này giúp cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện chủ động trong công tác thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như phát huy được vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.

"Về triển khai thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, phải nói rằng đây là một cơ chế đã tạo được động lực cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo cũng như hiệu quả làm việc, nhất là trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế-xã hội sau dịch", bà Lệ bày tỏ.

Chậm tiến độ thực hiện các dự án

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lệ, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54, vẫn còn một số hạn chế mà UBND Thành phố cần tiếp thu để khắc phục.

Về quản lý đất đai, mặc dù việc thực hiện Nghị quyết 54 đã rút ngắn được thời gian lập hồ sơ nhưng sau khi HĐND Thành phố ban hành các nghị quyết thì các quy trình, thủ tục để triển khai thực hiện còn chậm và cũng chưa được chuẩn bị tốt.

"Chúng ta có 32 dự án nhưng 31 dự án chưa hoàn thành tiến độ thực hiện, còn một dự án trình HĐND để hủy bỏ danh mục thu hồi đất. Điều này cho thấy UBND Thành phố chưa kiên quyết trong việc ra quyết định điều chỉnh, hủy bỏ các dự án không thực hiện ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hằng năm. UBND Thành phố cần quan tâm, rà soát để thực hiện đầy đủ theo Khoản 3, Điều 49 của Luật Đất đai năm 2013", bà Lệ nêu.

Về quản lý đầu tư, theo Chủ tịch HĐND Thành phố, tất cả 6 dự án nhóm A thực hiện theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 54 đều chậm tiến độ mà thời gian thực hiện Nghị quyết 54 thì sắp hết. Trong 6 dự án thì có 3 dự án chưa thực hiện, nghĩa là phải tiếp tục bố trí vốn, còn 3 dự án đang triển khai nhưng tiến độ rất chậm, chưa đảm bảo và còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Về quản lý tài chính và ngân sách Nhà nước, UBND Thành phố đã giao các cơ quan liên quan để xây dựng đề án thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. "UBND Thành phố đã chỉ đạo Cục Thuế xây dựng đề án Thí điểm để tăng mức thu thuế bảo vệ môi trường thông qua giá xăng trên địa bàn Thành phố không quá 25% so với mức thuế hiện hành và nằm trong mức khung cho phép. Số thu dự kiến là 750 tỷ đồng, tuy nhiên, cùng thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 579 về biểu thuế bảo vệ môi trường, lúc đó giá xăng tăng trên 4.000 đồng/lít nên đề án này không thể triển khai", bà Nguyễn Thị Lệ nêu vấn đề và bày tỏ, như vậy, Thành phố cũng chưa thực hiện tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và đến thời điểm hiện nay, UBND Thành phố chỉ trình HĐND Thành phố ban hành, điều chỉnh một loạt phí, đó là mức thu phí để bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Còn lại 2 loại phí trong Nghị quyết 54 là loại phí về thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất áp dụng cho tất cả các loại hình đăng ký đất đai thuộc danh mục do Bộ TN&MT ban hành; phí tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại các kho, bãi được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, bà Lệ đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm chuẩn bị nội dung và trình HĐND Thành phố trong kỳ họp đầu tháng 7.

Xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị

Trước những mặt còn hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 54, Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố tiếp tục tăng cường sự ủng hộ, hỗ trợ phối hợp kịp thời, chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, tạo thuận lợi trong việc đề xuất, kiến nghị những cơ chế mới trong giai đoạn sắp tới.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND Thành phố phải đánh giá và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 thật sâu sắc, kỹ lưỡng đúng theo tinh thần Nghị quyết. Đây sẽ là cơ sở để UBND Thành phố tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới cho Thành phố trong thời gian tới.

UBND Thành phố cần quan tâm giải quyết kiến nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình giao thông và Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn tới đường Cộng Hòa để kết nối với nhà ga T3 và dự án rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ.

UBND Thành phố cũng cần rà soát lại tình hình thực hiện của từng dự án có thu hồi đất trồng lúa trên 10 ha; xem xét tính khả thi, tính cần thiết, tiếp tục thực hiện để đẩy nhanh tiến độ hoặc trình HĐND Thành phố để hủy bỏ danh mục nếu thấy không cần thiết, không hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân.

Đối với những nội dung hạn chế, tồn tại, chưa thực hiện được, chưa đầy đủ, người đứng đầu HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố phân tích, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị có liên quan, làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách mới phát triển Thành phố.

Anh Thơ

Top