Thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tại TPHCM
(Chinhphu.vn) - Sáng 6/11, Đoàn Cán bộ khảo sát thực tế nhóm 2 – Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có buổi làm việc với Thành ủy TPHCM.
Chủ trì buổi khảo sát có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng đoàn khảo sát, Trưởng nhóm 2; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.
Về phía đoàn khảo sát có ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng nhóm 2; ông Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng nhóm 2.
Về phía Thành phố có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải; Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Phước Lộc; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê…
Phát biểu định hướng buổi khảo sát, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận những kinh nghiệm của TPHCM từ thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đồng thời trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng sắp tới.
Trong đó, cần đi sâu làm rõ quan điểm của Thành phố về sự phát triển nhận thức, tư duy sáng tạo, đột phá lý luận cơ bản của Đảng ta về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) từ 1986 đến nay.
Đánh giá của Thành phố về thực trạng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung từ năm 1986 đến nay (tập trung vào 10 năm gần đây).
Đánh giá chung của Thành phố về đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam và một số đề xuất nhằm tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TPHCM phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Trình bày báo cáo tóm tắt về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại thành phố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho hay, TPHCM đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế TPHCM tiếp tục phát huy vai trò năng lực nội sinh với khu vực có vốn đầu tư trong nước chiếm tỷ trọng cao, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng.
Các thành phần kinh tế phát triển cả về số lượng và chất lượng, quy mô ngày càng tăng, đặc biệt là kinh tế ngoài Nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đến năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TPHCM theo giá hiện hành gấp 2,9 lần so với năm 2010. Trong đó kinh tế Nhà nước gấp 1,6 lần, kinh tế ngoài Nhà nước gấp 3,1 lần, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gấp 4,3 lần.
TPHCM đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với các mô hình khu công nghiệp công nghệ cao, chuỗi công viên phần mềm, khu nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các chính sách ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển nhân lực trình độ cao, giảm thâm dụng lao động, phát triển kinh tế tri thức, phát triển khoa học công nghệ được chuyển tải trong một phần hoặc toàn phần trong các luật, nghị định và các văn bản dưới luật khác.
TPHCM tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại...
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, thời gian qua TPHCM đã làm tốt được 2 việc. Thứ nhất là chương trình bình ổn thị trường TPHCM xuất phát hơn 20 năm, giai đoạn đầu có sự trợ sức của vốn ngân sách nhưng hiện nay chương trình này vận hành hoàn thoàn theo cơ chế hị trường, nhà nước chỉ đóng vai trò trung gian. Chương trình này là một khung quy chế để các doanh nghiệp tham gia có thể hiểu quy mô của thị trường để sản xuất, bán sản phẩm; còn các nhà phân phối đặt hàng và bán với giá ổn định. Hiệu quả của Chương trình giúp cho CPI của TPHCM luôn thấp hơn cả nước.
Chương trình thứ 2 là kích cầu đầu tư. Đây là sự sáng tạo của Thành phố, thông qua đó nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ phát triển được quy mô sản xuất.
Nhiều vấn đề cần phân tích, đánh giá toàn diện
Phát biểu tại buổi khảo sát, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ, Thành phố nhận thức sâu sắc chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Nhờ có nhận thức mà Thành phố đã tập trung chỉ đạo và phát triển, nhiều mô hình mới xuất hiện theo tinh thần vận dụng sáng tạo.
Theo Bí thư Thành ủy, cũng từ vị trí, vai trò, sứ mệnh đã thúc giục TPHCM hành động, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Và cũng từ việc thực hiện phát triển kinh tế thị trường ở TPHCM cho thấy còn nhiều vấn đề cần phân tích, đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn.
"Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vai trò của nhà nước rất quan trọng. Thực tế chúng ta phải đối mặt là pháp luật hoàn thiện về mặt hình thức còn nội dung còn có vấn đề, chính sách có độ trễ và chưa theo kịp với trình độ phát triển năng động của Thành phố, nhất là giai đoạn mở cửa hội nhập sâu rộng", theo Bí thư Thành ủy.
Vì vậy, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM bày tỏ kỳ vọng đoàn công tác "sẽ như những người thợ kim hoàn lành nghề, có thể chắt lọc các vấn đề để giúp tham mưu cho Bộ Chính trị trong cuộc đãi cát tìm vàng này".
Phát biểu bế mạc buổi khảo sát, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định, các ý kiến phát biểu về cơ bản đã góp phần làm rõ thêm nhận thức của Thành phố về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng thời đã bổ sung nhấn mạnh thêm về một số vấn đề trọng tâm, trọng điểm…
Các ý kiến cũng đã phân tích rõ làm hơn về thực trạng thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn Thành phố, nhất là những thành tựu nổi bật, những hạn chế, nguyên nhân của thành tựu, hạn chế, những vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm từ góc độ địa phương cấp tỉnh.
Trên cơ sở đánh giá chung về đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, dự báo bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Thành phố đã đề xuất các quan điểm mới và các định hướng giải pháp nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam trong bối cảnh mới.
Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, các nội dung của những ý kiến phát biểu trong Phiên họp sẽ tiếp tục được nghiên cứu, chắt lọc để phục vụ xây dựng các văn bản liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của Nhóm 2 về tổng kết nội dung "Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Anh Thơ