Tích cực hỗ trợ DN xuất khẩu trong các vụ việc phòng vệ thương mại
(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, các nước đã tiến hành 16 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả, đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp...
Theo thống kê của Bộ Công Thương, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với những cam kết toàn diện như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Các Hiệp định này một mặt mở rộng thị trường, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về những rào cản thương mại, trong đó nổi bật nhất là rào cản phòng vệ thương mại. Đây là một công cụ hạn chế nhập khẩu được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các FTA cho phép các thành viên sử dụng trong những điều kiện nhất định. Phòng vệ thương mại bao gồm 3 biện pháp chính là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Tại hội thảo cung cấp thông tin về các vụ việc phòng vệ thương mại ngày 16/12 tại TPHCM, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương đánh giá trong năm 2022, công tác phòng vệ thương mại diễn ra trong bối cảnh tình hình thương mại khu vực và toàn cầu, xung đột thương mại, xung đột địa chính trị giữa một số nước diễn biến phức tạp kéo theo xu thế bảo hộ thương mại tại nhiều nước tiếp tục duy trì. Kèm theo đó chi phí nhiều loại hàng hóa đầu vào, chi phí vận tải tăng cao; chính sách tài chính - tiền tệ của nhiều quốc gia có sự thay đổi để đáp ứng tình hình mới.
Bối cảnh đó đã tác động trực tiếp tới các hoạt động về phòng vệ thương mại. Cụ thể, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục là đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Hoạt động của một số ngành sản xuất trong nước có sự biến động dẫn đến việc cần xem xét khả năng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Gia tăng các vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam.
Đối với hoạt động xuất khẩu, kể từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, các nước đã tiến hành 16 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả nhiều vụ việc. Nhờ đó, cho tới nay, Việt Nam đã xử lý đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp (với các mặt hàng như tôm, cá tra basa, một số sản phẩm thép, mật ong...), góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada.
Đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng trong nước
Đối với hoạt động nhập khẩu, Bộ Công Thương không khởi xướng điều tra vụ việc phòng vệ thương mại mới nhưng dựa trên kết quả điều tra theo quy định pháp luật đã quyết định áp dụng 3 biện pháp phòng vệ thương mại, ngừng áp dụng 2 biện pháp phòng vệ thương mại và tiến hành rà soát việc áp dụng 7 biện pháp phòng vệ thương mại.
Phòng vệ thương mại là một trong những công cụ nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết về xóa bỏ hàng rào thuế, hàng rào phi thuế quan. Bao gồm các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã nỗ lực hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng vệ thương mại; cùng với đó Bộ Công thương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyền truyền nâng cao nhận thức về lĩnh vực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường… đảm bảo môi trường thương mại công bằng cho các ngành sản xuất trong nước.
Lê Anh