Tiêu dùng nội địa có dấu hiệu khởi sắc

03/11/2023 2:31 PM

(Chinhphu.vn) - Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024" do báo Người lao động tổ chức sáng 3/11, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, Từ tháng 7/2023, lần đầu tiên tiêu dùng nội địa đạt mức bằng trước trước dịch. Điều đó cho thấy đã có hiệu ứng đáng khích lệ từ những chương trình, chính sách của Đảng, Chính phủ đưa ra trong thời gian qua.

Tiêu dùng nội địa có dấu hiệu khởi sắc trở lại - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024"

Theo phân tích của ông Đức, giai đoạn 2019-2020, bán lẻ hiện đại đóng góp 24% thị phần bán lẻ, trong dịch còn 16-18% và đến nay đã quay lại 24%. Điều đó cho thấy đã có hiệu ứng đáng khích lệ từ những chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước đưa ra trong thời gian qua. Trong các tháng 7,8,9 của năm 2023 tỉ lệ tiêu dùng hiện đại đã nhích lên so với trước.

Ông Nguyễn Anh Đức cũng nêu 4 xu hướng hiện nay các doanh nghiệp bán lẻ đang tự vận động để thích ứng với thị trường. 

Theo đó, cơ cấu nguồn hàng đầu vào đang có sự dịch chuyển, hàng ngoại thâm nhập thị trường mạnh mẽ. Người tiêu dùng tiết kiệm hơn, tiêu dùng thông minh và quan tâm nhiều đến tiêu dùng thiết yếu. Các doanh nghiệp đón đầu các xu thế phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, việc đầu tư chuyên sâu hơn chưa nhiều bởi lúc này điều quan trọng nhất của doanh nghiệp là bảo đảm sự tồn tại, do vậy không ưu tiên chi đầu tư cho dài hạn.

Cuối cùng đó là thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng hấp dẫn nhưng quy mô còn nhỏ, thị trường còn manh mún, những đơn vị vận hành trong nước đang dựa trên yếu tố cạnh tranh lẫn nhau… và đóng góp hạn chế trong tăng trưởng chung của lĩnh vực bán lẻ, thương mại dịch vụ.

Với mặt được và tồn tại nêu trên, ông Đức đã nêu một số đề xuất để thúc đẩy sự phát triển cho lĩnh vực này một cách bền vững hơn. Cụ thể là những chính sách cần có sự hoạch định, áp dụng sớm hơn và mang tính liên tục, dài hơi hơn để các doanh nghiệp có thể tồn tại. Ngoài ra, cần quy hoạch tổng thể lại cung cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi. 

Bên cạnh đó, cần có sự liên kết của các ngành, các hiệp hội để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành. Ví dụ, du lịch hợp lực với thương mại để phát triển. Và để làm được những nội dung này, cần bàn tay vĩ mô nhằm cấu trúc lại giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, trong bối cảnh hiện nay, tình hình kinh tế khó khăn, tiêu dùng nội địa và thương mại nội địa đang đóng vai trò quan trọng, là một trong 3 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng năm 2023.

Ngành công thương TPHCM trong 10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 578.000 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ nhưng mức tăng này vẫn chưa đạt so với giai đoạn trước dịch, cho thấy sự tăng trưởng chưa bền vững và chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Tiêu dùng nội địa có dấu hiệu khởi sắc trở lại - Ảnh 2.

TPHCM thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Ảnh: VGP/Lê Anh

Là trung tâm kinh tế lớn của khu vực phía Nam và cả nước, ngành công thương TPHCM từ nay tới cuối năm và năm 2024 đã có giải pháp để tham mưu UBND TPHCM thực hiện trong giai đoạn sắp tới. Cụ thể, thành phố sẽ chú trọng các nội dung về giá cả hàng hóa, lưu thông hàng hóa trên thị trường, lượng hàng bình ổn thị trường nhất là phục vụ Tết 2024.

Sở Công Thương TPHCM cũng đã làm việc với các đơn vị để bình ổn thị trường; tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình, kết nối cung cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng, cụ thể là đang phối hợp với các tỉnh thành tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa, làm sao đem chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng.

Ngành công thương cũng tham mưu nhiều chương trình kích cầu, tổ chức các hội chợ, triển lãm để các DN giới thiệu nguồn hàng tronng nước và quốc tế.

Lê Anh

Top