Tiểu thương tại các chợ truyền thống kiến nghị giảm thuế, tiền thuê mặt bằng

04/06/2021 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - Những ngày qua, sau khi TPHCM triển khai thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19, sức mua của người dân tại các chợ truyền thống giảm mạnh so với ngày thường, khiến nhiều tiểu thương tại đây gặp nhiều khó khăn.

Trong những ngày này, hầu hết các sạp hàng tại chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) đóng cửa. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Cầm cự qua ngày

Khác hẳn với khung cảnh nhộn nhịp trước mùa dịch, chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) nay vắng bóng người. Sau chỉ đạo giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các sạp hàng trong chợ đã ngưng hoạt động, hiện chỉ còn lác đác một vài quầy bán rau củ quả và hàng tạp hóa.

Cô Hai, một trong những tiểu thương còn sót lại tại chợ cho biết: “Từ khi có dịch ế lắm, không có ai đi lại mua hàng nên chẳng bán được gì, giờ chỉ ngồi cầm cự qua ngày thôi. Sáng đến trưa chỉ có 1 khách đến mua, giờ tình hình chung nên cũng không dám kêu ai, mình khổ thì người ta cũng khổ nên bán được ngày nào hay ngày đó”.

Cách đó không xa, anh Phương, người bán quần áo lâu năm tại chợ Hạnh Thông Tây, đang tận dụng thời gian nghỉ dịch sắp xếp lại quầy. “Tiền thuế, tiền mặt bằng… phụ thuộc kinh doanh mà giờ phải nghỉ hết. Dịch bệnh bùng phát nên ai cũng bị ảnh hưởng, cuộc sống khó khăn lắm”, anh Phương cho biết.

Chú Châu, tiểu thương lâu năm tại chợ Phạm Văn Hải cho hay tình trạng hiện nay của tiểu thương trong chợ rất khó khăn do sức mua hàng trong mùa dịch “ế ẩm”. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Còn tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), nhiều tiểu thương cũng đang rơi vào cảnh ế ẩm vì sức mua tại chợ giảm hơn 80% so với ngày thường. Khung cảnh đìu hiu tại chợ khiến nhiều tiểu thương lo lắng, một số tiểu thương cho biết chỉ bán cầm cự qua ngày, số khác đã tính đến chuyện tạm dừng hoạt động.

“Nhà tôi mấy tháng nay phải tự bỏ tiền ra để đóng các khoản phí chứ buôn bán ế ẩm lắm, một ngày được có 1, 2 khách. Bình thường làm ăn đã khó nay dịch bệnh còn khó hơn”, chị Hiền, tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai nói.

Kế bên, chú Châu, một tiểu thương buôn bán lâu năm tại chợ cũng không giấu được sự mệt mỏi: “Mình buôn bán quen rồi, giờ ở nhà cũng buồn nên vẫn mở quầy để giết thời gian, chứ ngồi cả ngày không có một bóng người thì lấy đâu ra lời lãi”.

Một sạp hàng trong chợ Phạm Văn Hai thông báo cho thuê lại quầy. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Kiến nghị giảm thuế, tiền thuê mặt bằng

Trước tác động của dịch bệnh, hầu hết tiểu thương tại các chợ truyền thống, nhất là tại quận Gò Vấp, nơi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đều mong muốn được giảm thuế, giảm tiền thuê mặt bằng để khắc phục bớt phần nào khó khăn, sớm vượt qua dịch COVID-19.

“Tình trạng này kéo dài thì nhà tôi cũng đóng sạp, thứ nhất để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, quan trọng hơn là mong muốn các cơ quan xem xét giảm tiền thuế và các chi phí khác”, một tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai nói.

Đại diện Ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho biết, chợ có trên 1.600 sạp hàng, đến thời điểm này còn khoảng 50% sạp đang hoạt động, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu (rau củ quả, thịt cá…), còn các sạp bán đồ không thiết yếu đã dừng hoạt động.

“Những ngày này, chúng tôi thường xuyên đến các sạp nắm tâm tư nguyện vọng của người dân, hướng dẫn người dân về việc thực hiện các kiến nghị (nếu có), trên cơ sở đó sẽ lập danh sách đề xuất lên trên, sau đó cơ quan thuế sẽ căn cứ để xem xét giảm thuế. Tuy nhiên chúng tôi chỉ vận động chứ không yêu cầu tiểu thương phải nghỉ”, đại diện Ban Quản lý chợ thông tin.

Cô Hai, tiểu thương tại chợ Hạnh Thông Tây buồn hiu vì quán hàng “ế ẩm”. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim
Tại các chợ truyền thống những ngày gần đây, nhất là tại quận Gò Vấp, nhiều sạp hàng luôn vắng bóng người. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Còn ông Võ Văn Tư, Phó Trưởng Ban Quản lý chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) cho biết, chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý chợ chủ yếu là “thu hộ, chi hộ” nên không có thẩm quyền quyết định việc giảm thuế hay phí sử dụng đất công. Tuy nhiên, căn cứ vào đề xuất, Ban Quản lý sẽ cố gắng hỗ trợ hết mình để đảm bảo quyền lợi cho các tiểu thương, nhất là trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay.

“Tất cả phải làm đúng chính sách, quy định được giảm bao nhiêu thì sẽ giải quyết, còn phí sử dụng đất công, thẩm quyền của Ban Quản lý được giảm 20% thì giảm đúng như vậy”, ông Tư thông tin. 

“Trong thời gian này, việc đi lại của người dân khó khăn, nếu người dân cần hỗ trợ về các thủ tục hành chính hay những việc nằm trong thẩm quyền thì chúng tôi sẵn sàng”, ông Tư nói thêm.

Sáng 4/6, để phòng dịch COVID-19, Ban Quản lý chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) tổ chức tặng tấm chắn giọt bắn cho tiểu thương trong chợ. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Chợ Hạnh Thông Tây trước đây có quy mô khoảng 400 sạp hàng, theo thống kê đến năm 2021 còn khoảng 140 sạp hàng đang kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi quận Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội thì đa phần các sạp hàng đã tạm dừng hoạt động.

Nguyễn Kim

Top