Tìm đường ra cho nông sản Tây Nguyên

26/06/2022 9:28 AM

(Chinhphu.vn) - Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, việc đầu tư manh mún đã chưa khai thác tốt dư địa ở các lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, việc tập trung thu hút các dự án nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm được xem là hướng đi bền vững để địa phương nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Tìm đường ra cho nông sản Tây Nguyên - Ảnh 1.

Nhiều nông sản của Tây Nguyên có giá trị xuất khẩu cao - Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu hecta, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 1,3 triệu hecta đất đỏ bazan. Lợi thế này giúp vùng sẽ trở thành trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước. Tuy nhiên, nông nghiệp Tây Nguyên vẫn luôn gặp những bất lợi về được mùa, mất giá vì chưa chủ động được trong chế biến, thu mua và thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trong suốt 2 năm qua, tình trạng xuất khẩu trái cây của Tây Nguyên nói riêng và cả nước ta nói chung giảm mạnh, đồng thời nông sản nội địa chất đống với giá bán rẻ bèo. Ví như một số hộ nông dân tại huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời điểm đầu vụ, mít Thái trên địa bàn có giá 30.000 đồng/kg, sau đó giảm xuống 15.000, và rớt thẳng xuống 2.000-3.000 đồng/kg; giá bơ tại tỉnh Đăk Nông cũng rớt thê thảm xuống dưới 10.000 đồng so với giá 100.000 đồng của những năm trước đó; hay xoài, loại trái cây tiêu thụ chủ yếu bằng hình thức xuất khẩu, lại chỉ bán đổ bán tháo với giá từ 3.000 – 5.000 đồng/kg;…

Nhìn chung, các mặt hàng trái cây Việt duy trì ở mức thấp suốt thời gian qua do ảnh hưởng bởi hoạt động xuất khẩu khi Trung Quốc thực hiện chính sách "zero covid" khiến hàng nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc.

Đến thời điểm này, chúng ta thấy ở các khu vực miền Đông Nam bộ và ĐBSCL khai thác rất tốt các thế mạnh của họ. Từ tôm, cá, trái cây… cái nào cũng đứng nhất và mang về nhiều tỉ đô la cho đất nước. Dĩ nhiên phát triển trước có những lợi thế và cả tồn tại, hạn chế. Vùng đất Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng có lợi thế của người đi sau để tránh được những "vết xe đổ".

Lợi thế đó là, đất đai còn rộng lớn nên dễ liên kết tổ chức sản xuất quy mô lớn, thuận tiện áp dụng cơ giới hoá và các tiến bộ khoa học kĩ thuật hiện đại để giảm chi phí. Vùng đất đỏ bazan thích hợp với nhiều loại nông sản cho chất lượng sản phẩm vượt trội.

Từ tổng quan thị trường có thể thấy, nếu muốn phát triển, xuất khẩu nông sản ra nước ngoài thì Việt Nam không còn đường nào khác là phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt cần phát huy tiềm năng của địa phương từ việc liên kết hợp tác giữa các bên như địa phương với doanh nghiệp, giữa nông dân với doanh nghiệp và chính quyền…

Tìm đường ra cho nông sản Tây Nguyên - Ảnh 2.

Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Ngọc Minh Châu sẽ triển khai dự án để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của vùng - Ảnh: VGP/Minh Thi

Cần liên kết từ nhiều phía

Trong lộ trình nâng tầm nông sản nông nghiệp Việt, đặc biệt là tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của Tây Nguyên, đồng thời đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác giữa các bên, ngày 25/6/2022, tại Huyện Cư M'Gar, UBND tỉnh Đắk Lắk và Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Ngọc Minh Châu (NMC) tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Dự án Nông nghiệp giữa NMC và UBND tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, NMC sẽ đầu tư dự án gồm: Dự án Khu nông nghiệp mẫu - Nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao NMC - Cư  M'Gar  với diện tích  50ha và được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là khu Nông trại mẫu nhằm chuyển gao các cây trồng ngắn ngày có giá trị kinh tế theo mô hình hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn thị trường châu Âu, Mỹ và giai đoạn 2 là nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao NMC - Cư M'Gar với quy mô kho đông lạnh, dây chuyền sơ chế sầu riêng tươi, dây chuyền IQF,..

Dự án trạm thu mua và sơ chế nông sản khu vực Tây Nguyên NMC - Cư M'Gar với mục đích thu mua, tập kết trước khi chuyển đi các siêu thị trong cả nước. Một số sản phẩm chuyển về 6 nhà máy chế biến để chế biến phụ vụ như cầu xuất khẩu đi các thị trường cao cấp.

NMC quyết định đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cho hai loại cây chủ lực là chanh dây và măng tây với mục tiêu là 150ha chanh dây,  40ha măng tây trong măm 2022; 300ha chanh dây, 80ha măng tây vào 2023; và phấn đấu 450ha chanh dây, 120ha măng tây vào năm 2024.

Đặc biệt, để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của vùng, NMC quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản theo tiêu chuẩn công nghệ cao đặt tại Cư M'Gar với vốn đầu tư dự kiến 160 tỷ đồng. Đồng thời NMC sẽ xây dựng Trạm thu mua và sơ chế nông sản khu vực Tây Nguyên với vốn đầu tư 25 tỷ đồng.

Đây sẽ là nơi thu mua, tập kết, sơ chế các sản phẩm nông nghiệp trong vùng Tây Nguyên trước khi chuyển đi các siêu thị trong cả nước. Một số sản phẩm chuyển về nhà 6 máy chế biến để chế biến sâu phục vụ cho việc xuất khẩu vào các thị trường cao cấp của thế giới như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Phân tích về việc quyết định đầu tư tại Tây Nguyên, đại diện HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Ngọc Minh Châu Cư M'Gar cho biết, huyện Cư M'gar có diện tích tự nhiên là 82.450 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 63.701 ha, là một huyện nông nghiệp có điều kiện đất đai khá phù hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và chăn nuôi gia súc gia cầm. Hệ thống ao, hồ, suối và các công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Đây sẽ là nơi nhiều tiềm năng xây dựng vùng trồng cho các mặt hàng nông sản chủ lực mà NMC bao tiêu, chế biến với giá trị kinh tế cao và bền vững.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết kinh tế nông nghiệp luôn chiếm tỷ lệ gần 40% trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh. Trong những năm qua, Đắk Lắk đã tích cực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến để thu mua sản phẩm cho người dân. 

Đây là giải pháp tích cực nhằm giải quyết vấn đề dư thừa sản phẩm cho người dân. Tương lai, nông nghiệp vẫn là vấn đề được tỉnh quan tâm phát triển mang tính bền vững gắn với sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng như nâng cao đời sống nhân dân. Đắk Lắk tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến, tham gia, đồng hành với tỉnh, với người dân địa phương phát triển kinh tế.

Minh Thi

Top