Tìm hướng đi mới cho chợ truyền thống tại TPHCM
(Chinhphu.vn) - Trong định hướng phát triển hệ thống chợ truyền thống tại TPHCM đến năm 2030, Thành phố đặt ra mục tiêu hiện đại hóa hệ thống chợ truyền thống; hoàn thiện công năng để đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, phát triển các chợ thành điểm tham quan, mua sắm du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch cho Thành phố và các tỉnh phía Nam.
Ngày 27/3, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với UBND Quận 1 tổ chức Tọa đàm "Định hướng phát triển đối với mô hình chợ trên địa bàn Quận 1"
Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, trên địa bàn Thành phố hiện có 233 chợ truyền thống (224 chợ đang hoạt động). Lượng hàng hóa tại hệ thống chợ chiếm 60 - 65% tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố.
Khách đến chợ giảm
Đối với hệ thống chợ truyền thống: Số lượng thương nhân hoạt động trở lại sau dịch COVID-19 khoảng 60%-80% tùy chợ và tùy ngành hàng, trong đó, các ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, số tiểu thương quay lại kinh doanh đạt từ 80%-100%; ngành hàng khác như quần áo, vải, giày dép,… khoảng 30% -70%.
Qua khảo sát, tùy theo chợ, đặc thù khu vực và tùy thời điểm, hiện nay lượng khách đến tại chợ giảm 20%-30% so với thời điểm trước dịch và giảm 30%-50% so với thời điểm năm 2019.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, cùng với xu hướng mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, mua sắm qua các trang thương mại điện tử ngày càng tăng thì hiện nay, điều kiện kinh doanh tại rất nhiều chợ truyền thống đang xuống cấp, vẫn còn tình trạng bán không đúng giá niêm yết, hàng hóa kém chất lượng… điều này khiến một bộ phận người tiêu dùng mất dần niềm tin, quay lưng với chợ truyền thống.
TS. Lê Thị Hải Yến, đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM với đề tài "Chợ truyền thống dưới góc nhìn người tiêu dùng" cho biết, theo kết quả nghiên cứu, đối với hình thức mua sắm tại chợ truyền thống, người dân hài lòng nhất với giá cả.
Liên quan đến đánh giá của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa tại chợ truyền thống, đa phần người dân cho rằng các sản phẩm tại chợ truyền thống tươi ngon hơn các kênh mua sắm trực tuyến. Nhưng ngược lại, người tiêu dùng không đánh giá cao mức độ an toàn của thực phẩm tại chợ truyền thống. Điều này cũng khá dễ hiểu vì hàng hóa bày bán tại chợ truyền thống không được đính kèm với nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, sự đáp ứng của chợ truyền thống với nhu cầu của người tiêu dùng cũng không được đánh giá quá cao. Vì người tiêu dùng ngày nay có thể tiếp cận với nhiều kênh mua sắm trực tuyến cùng một lúc nên họ sẽ dễ dàng tìm thấy sản phẩm mình đang tìm kiếm, điều này làm cho hình thức mua sắm tại chợ truyền thống giảm.
Nâng cấp chợ, đa dạng cách thức bán hàng và kết hợp phát triển du lịch
Để nâng cao hiệu quả của hoạt động chợ truyền thống, TS. Lê Thị Hải Yến và nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp, đó là Thành phố cần duy trì chợ truyền thống dựa trên những điểm mạnh vốn có như: Giá cả phải chăng, hàng hóa tươi mới, đồng thời cần đẩy mạnh tương tác xã hội trong hoạt động bán hàng như live-stream.
Theo đại diện Viện nghiên cứu Phát triển TPHCM, trong quá trình cải tạo, nâng cấp, chợ truyền thống cần gắn với phát triển du lịch, kinh tế đêm. Cải thiện chợ truyền thống về vấn đề vệ sinh, chất lượng hàng hóa.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, phải có hệ thống các giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ, trước hết là phải thay đổi mô hình chợ, nâng cao chất lượng phục vụ tại chợ, hình thành các chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội vào phát triển của hệ thống chợ tại TPHCM nói chung và tại Quận 1 nói riêng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, trên cơ sở tổng hợp từ kế hoạch của các địa phương, dự kiến đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, TPHCM tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tối ưu hóa hệ thống chợ truyền thống: Giảm số lượng chợ còn 216 (giảm 17 chợ), trong đó, 199 chợ sẽ được giữ nguyên hiện trạng, 34 chợ sẽ được giải tỏa, di dời, chuyển công năng và 17 chợ mới sẽ được phát triển.
Trong đó, đặc biệt đối với hệ thống chợ truyền thống tại khu vực nội thành hiện hữu và phát triển 2 với định hướng cụ thể: Hạn chế phát triển mới chợ ở khu vực nội thành, việc phát triển mới chỉ thực hiện khi có nhu cầu bố trí tiểu thương của các chợ di dời, giải tỏa. Tập trung thực hiện công tác sửa chữa, nâng cấp, duy tu, bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa để đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán của người dân, kết hợp phát triển du lịch.
Đồng thời, Thành phố đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, hiện đại hóa hệ thống chợ, hoàn thiện công năng để đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, phát triển các chợ thành điểm tham quan, mua sắm du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch cho thành phố và các tỉnh phía Nam.
Theo các chuyên gia, nhìn chung, quá trình phát triển kinh tế nói chung và quá trình phát triển đô thị hóa nói riêng của TPHCM đã có tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của chợ. Riêng Quận 1 là quận trung tâm của TPHCM, tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ cao, tập trung nhiều hệ thống phân phối hiện đại, thế nhưng chợ truyền thống Quận 1 vẫn tồn tại và phát triển, mang bản sắc riêng, là di tích văn hóa, là biểu tượng của Thành phố, là điểm đến du lịch không thể bỏ qua khi đến TPHCM, trong đó, nổi bật là chợ Bến Thành.
Anh Lê