Tìm lời giải cho bài toán năng lượng xanh tại ĐBSCL

15/11/2024 5:22 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 14/11, Sở Công Thương TP. Cần Thơ phối hợp với Trung tâm khoa học và hợp tác NetZero Việt Nam – Asia (Vanza) và Huawei tổ chức Hội thảo "Năng lượng xanh, chính sách và giải pháp thực tiễn cho các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long".

Tìm lời giải cho bài toán năng lượng xanh tại ĐBSCL- Ảnh 1.

Sự kiện thu hút hơn 400 đại biểu là doanh nghiệp, đại diện các Sở Công Thương và các ban ngành của ĐBSCL tham dự - Ảnh: VGP/PD

Theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đến năm 2035, khu vực ĐBSCL có thể khai thác hơn 68.600 MW điện gió trên đất liền và hơn 31.500 MW điện mặt trời, thể hiện một nguồn lực kỹ thuật lớn cho việc phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng xanh trong tương lai.

Hiện nay, nhu cầu năng lượng tăng mỗi năm 15% trong 10 năm qua, và theo dự báo sẽ tiếp tục tăng trung bình mỗi năm 12% trong thập kỷ tới. Đến năm 2030, dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2005. Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không chỉ là xu thế mà còn là một phần trong chiến lược phát triển bền vững.

Theo các diễn giả tại hội thảo đều cho rằng, năng lượng xanh đang trở thành lựa chọn hàng đầu trong xu thế phát triển bền vững. Trong đó, năng lượng mặt trời áp mái là một phương án hiệu quả, giúp giảm tiêu thụ điện từ nguồn năng lượng hóa thạch, giảm phát thải CO₂ và tiết kiệm chi phí lâu dài cho doanh nghiệp và gia đình. 

Bên cạnh đó, tín chỉ I-REC (International Renewable Energy Certificate) là công cụ xác nhận sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần khẳng định cam kết với môi trường của các tổ chức. Sử dụng năng lượng xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn nâng cao giá trị thương hiệu và trách nhiệm xã hội.

Ông Trần Hoài Trang, Phó Cục trưởng Cục Điện Lực và Năng lượng tái tạo (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết, quy hoạch phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam đã chứng kiến một bước tiến lớn. Dự kiến đến năm 2030, công suất điện mặt trời sẽ đạt 20.591 MW và tăng lên đến 189.000 MW vào năm 2050. 

Chính phủ cũng đang dần hoàn thiện các cơ chế pháp lý, tạo hành lang vững chắc, hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đang đối mặt và cần chính phủ, các cơ quan chuyên môn tham mưu, hỗ trợ tháo gỡ những nút thắt để phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực này.

Chia sẻ tại hội thảo về kinh nghiệm phát triển năng lượng xanh dưới góc nhìn một doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành sản xuất Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, Vinamilk đã chủ động các giải pháp, đầu tư tiết kiệm năng lượng, và được xem là điểm sáng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiện Vinamilk đã sử dụng 86% năng lượng xanh, sạch từ biomass, CNG thay thế cho năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, Ngoài ra, có 11 nhà máy và 13 trang trại đã lắp đặt năng lượng mặt trời với tổng công suất là 42 MWp, đáp ứng được 15 - 20% điện năng sử dụng.

Việc áp dụng và triển khai các hoạt động, sáng kiến về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đồng thời cập nhật những dạng năng lượng mới ứng dụng vào sản xuất đã góp phần giúp Vinamilk giảm lượng điện tiêu thụ và lượng khí CO2 trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững. 

Tại hội thảo nhiều chuyên gia, diễn giả phân tích chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về giải pháp kỹ thuật, áp dụng và triển khai các hoạt động, sáng kiến về sử dụng năng lượng tiết kiệm, những dạng năng lượng mới ứng dụng vào sản xuất, hệ thống lưu trữ năng lượng thông minh và quản lý tối ưu hóa năng lượng. Đồng thời tăng cường kêu gọi sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nguồn tín dụng xanh.

Tọa đàm với chủ đề "Năng lượng xanh - Động lực phát triển bền vững cho ĐBSCL" tại hội thảo đã đề cập xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng xanh, đầu tư vào công nghệ tiên tiến, và mô hình hợp tác công - tư để hỗ trợ chuyển đổi xanh. Tọa đàm cũng cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh, và chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án năng lượng thành công, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp địa phương, và tạo tiền đề cho một nền kinh tế xanh và bền vững cho ĐBSCL.

PD

Top