Tìm "lời giải" cho bài toán nhân lực du lịch chất lượng cao

08/12/2022 2:40 PM

(Chinhphu.vn) - Sự dịch chuyển lao động trong ngành du lịch cũng như yêu cầu mới về trình độ của lao động ngành du lịch đang đặt ra những thách thức mới cho ngành công nghiệp "không khói" này. Với mong muốn góp phần đưa ra những giải pháp cho vấn đề trên, Báo điện tử Tổ Quốc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ) đã tổ chức Hội thảo: "Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao" tại TPHCM ngày 8/12/2022.

Tìm "lời giải" cho bài toán nhân lực du lịch chất lượng cao - Ảnh 1.

Hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao" do Báo điện tử Tổ Quốc tổ chức ngày 8/12/2022 - Ảnh: VGP/Minh Thi

Có thể nói chưa bao giờ du lịch phải đối mặt với nhiều khó khăn như thời gian 2 năm vừa qua. Theo các chuyên gia kinh tế, Đại dịch COVID-19 đã kéo lùi ngành du lịch đến gần 30 năm. Hệ lụy củ nó đã ảnh hưởng toàn diện đến ngành du lịch trong đó có nổi lên vấn đề về nguồn nhân lực. Đó là sự thiếu hụt lớn về số lượng lao động của ngành do các lao động cũ đã dịch chuyển sang các ngành nghề khác vì thế thiếu về số lượng. Theo Viện Đào tạo và phát triển nhân lực TPHCM, tính đến cuối năm 2021, số lao động trong ngành du lịch chuyển sang ngành khác chiếm 26%, số lao động có ý định chuyển nghề là 33%. Bên cạnh đó, sau đại dịch xu hướng du lịch thay đổi nên nguồn nhân lực cũng phải cập nhật, đào tạo mới, đào tạo lại về kỹ năng, chuyên môn. 

Trong khi đó, sau khi Việt Nam khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, đã quyết đinh mở cửa toàn diện cho du lịch và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong 11 tháng của năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,95 triệu lượt người và khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt người. Vì vậy, chưa bao giờ vấn đề nhân lực cho ngành du lịch lại quan trọng và cấp bách như thời điểm hiện nay cũng như cho sự phát triển bền vững của ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian tới.

Do đó, với sự tham gia của các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp cùng các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực du lịch, Hội thảo đã giúp đánh giá đúng thực trạng công tác đào tạo và hướng phát triển của các cơ sở đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu bứt phá vươn lên thực hiện thật hiệu quả Quyết định số 2292/QĐ-BVHTTDL ngày 13/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chương trình hành động phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025.

Đặc biệt, Hội thảo là dịp để ngành du lịch bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển bứt phá, việc tạo dựng nguồn nhân lực du lịch, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đang là một trong những nhu cầu cấp thiết, nhằm đáp ứng kịp thời những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động. Đào tạo trong lĩnh vực du lịch cũng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Điều này cũng đặt ra những chiến lược cụ thể cho các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực du lịch: Đó là phải nhanh chóng đổi mới phương thức đào tạo để có thể tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới mở rộng hơn trong lĩnh vực du lịch cho lao động Việt Nam trong tình hình mới.

Về "Thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao", PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG HCM đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, có đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới khi có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ hóa. 

Qua khảo sát, mỗi năm ngành du lịch cần 40.000 lao động, nhưng thực tế chỉ cung cấp được 20.000; trong khi đó đa số là lao động, nhân lực có trình độ chuyên môn không cao, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao. Ngành du lịch đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực có chuyên môn cao, hiện tượng "thừa thầy, thiếu thợ" trong cán cân lao động, đào tạo không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đào tạo chưa có hướng đi khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh,...

Nước ta hiện có khoảng 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề nhưng nguồn cung ứng lao động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động có chuyên môn, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp cần thì còn hạn chế. Các cơ sở du lịch ngày càng tăng, nhưng năng lực đào tạo còn hạn chế. Tính liên thông về chương trình, kết cấu chương trình đào tạo giữa các cơ sở không đồng nhất; cơ sở đào tạo manh mún, nhỏ lẻ, chưa gắn thực tiễn…

Vì thế, đi tìm một giải pháp giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở các trường Đại học - Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp được xem là "chìa khóa" hữu hiệu, để đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phác thảo bức tranh về công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội là gợi ý 11 giải pháp để thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Theo đó, cần mở rộng đào tạo như đào tạo từ xa, quốc tế hóa các chương trình đạo tạo,tập trung nhiều hơn cho đào tạo kỹ năng, liên kết chặt chẽ với ngành, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, ứng dụng công nghệ, thông tin và chuyển đổi số trong phục hồi và phát triển nhân lực du lịch…

Dưới góc nhìn chuyên sâu về chất lượng nguồn nhân lực của ngành, TS. Đào Lê Hòa An, Cố vấn cấp cao Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam cho rằng, du lịch là một ngành đòi hỏi kỹ năng mềm rất cao của nguồn nhân lực và kỹ năng mềm nếu được chú trọng sẽ là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng lao động của ngành này rất cao. Bởi vì phần lớn nhân lực tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và sẽ tham gia thực hiện hàng loạt các công việc để thỏa mãn sự hài lòng của khách hàng. Điều là nên sự khác biệt giữa các hướng dẫn viên du lịch chính là kỹ năng mềm. Do đó, những nhà quản lý ngành, các trường đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch cần thúc đẩy hơn nữa quá trình đào tạo và nâng cao kỹ năng mềm cho nhân lực của ngành để có chất lượng phục vụ tốt hơn.

Theo đó, TS. Đào Lê Hòa An nêu lên 9 kỹ năng mềm cần đào tạo cho lao động của ngành du lịch gồm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm chủ cảm xúc, kỹ năng quan sát, kỹ năng tổ chức sắp xếp và làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng các phương  tiện truyền thông, kỹ năng ứng biến và kỹ năng tạo dựng mối quan hệ...

 Minh Thi

Top