Tinh gọn và chống lãng phí: Tạo nguồn lực cho kỷ nguyên mới

01/01/2025 7:33 AM

(Chinhphu.vn) - Với những thành tựu về kinh tế - xã hội sau gần 40 năm đổi mới, cùng với quyết tâm thực hiện công cuộc tinh gọn bộ máy, chống lãng phí, nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, xứng tầm một nền kinh tế phát triển.

Những ngày cuối năm, thành phố mang tên Bác đón tin vui sau hơn 10 năm chờ đợi: Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên, dù chỉ 19 cây số, chính thức khai trương. Hình ảnh hàng chục nghìn người chen nhau xuống ga ngầm ngay trung tâm Thành phố, phần nào nói lên được khát vọng sục sôi của người dân về một tương lai giàu mạnh phú cường.

Tinh gọn và chống lãng phí: Tạo nguồn lực cho kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Người dân TPHCM chờ lên metro tại ga Bến Thành - Ảnh: VGP/Linh Chi

Bắt đầu từ 'cách mạng' tinh gọn bộ máy

Đạt được vị thế của một nền kinh tế phát triển hoặc trở thành nền kinh tế trị giá 500 tỷ USD là những cột mốc khả thi.

Tuy nhiên, con đường còn dài. Con đường ấy là con đường của "kỷ nguyên mới", với đầy đủ thách thức vươn lên. Bao giờ cũng vậy: mọi thay đổi phải chuẩn bị trước con người. Sắp xếp lại, thu gọn bộ máy theo hướng tối ưu hóa chính là chuẩn bị nhân lực thích ứng cho vận hội mới của dân tộc.

Tổng biên chế toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 là 2,234 triệu. So với dân số 96 triệu dân thì số lượng người hưởng lương ngân sách như vậy là quá lớn.

Tinh gọn và chống lãng phí: Tạo nguồn lực cho kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Số lượng người trong bộ máy công quyền các nước ASEAN (các con số được làm tròn) - Nguồn: tổng hợp

Bất cứ một cuộc cách mạng nào cũng cần con người để thực hiện. Kỷ nguyên mới vươn lên của dân tộc trước hết phải bắt đầu với cuộc cách mạng về guồng máy, tức là làm cho bộ máy hoạt động tốt nhất. Hiện nay là cuộc cách mạng "tinh gọn bộ máy".

Tổng Bí thư Tô Lâm đã lưu ý: "Làm sao phải có đội ngũ cán bộ có tâm huyết, vì nước vì dân, vì sự nghiệp của Đảng; hết sức tâm huyết, chứ không thể coi đây là chỗ để kiếm sống". Ông nhấn mạnh lại tư tưởng của Nghị quyết số 18 về cải cách bộ máy: Đây là một cuộc cách mạng, không thể chờ đợi.

Tùy theo tư duy, có thể nhìn nhận một ly đựng nước là đầy một nửa hay vơi một nửa. Người lạc quan với quyết tâm nhìn chiếc ly đầy một nửa, người bi quan thiếu quyết tâm nhìn chiếc ly vơi một nửa.

Nước trong ly chính là nguồn ngân sách. Không thể kéo dài khi ngân sách phải chi đến 70% để trả lương trong khi đó là nguồn lực cần thiết. Khi chúng ta bước vào năm 2025, ngân sách là nguồn lực "cứng" để chúng ta tạo dựng thành công kỷ nguyên mới rực rỡ của Việt Nam.

Cách mạng nhân sự, về nguyên tắc, tạo ra một bộ máy từ Trung ương đến địa phương hiệu quả đủ để đưa nguồn lực chảy vào mọi ngóc ngách phục vụ xây dựng phát triển.

Chắc chắn công việc sẽ tốt hơn nhiều, nếu bộ máy gọn hơn, nhưng tinh hơn. Khi đó, các công trình đầu tư công - tức là sử dụng tiền của nhân dân - sẽ không trì chậm nữa.

'Lãng phí là tội lỗi với... nhân dân'

Bất cứ sự chậm trễ nào cũng là lãng phí. Sự lãng phí, dù lý do khách quan hay chủ quan, cũng làm mất đi nguồn lực quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về vấn đề này từ rất sớm, nhưng sức nóng lời cảnh cáo đó dường như nóng hơn bao giờ hết, khi chúng ta chuẩn bị tâm thế bước vào kỷ nguyên mới vươn mình trở thành một quốc gia phát triển.

Năm 1927, trong cuốn Đường cách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, "lãng phí là một căn bệnh, là tội lỗi với… nhân dân". Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn, từ hoang phí xa xỉ sẽ dẫn đến tham ô, từ đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc phát triển đất nước".

Không phải tự nhiên mà Tổng Bí Thư Tô Lâm khi mới nhậm chức đã nói ngay đến "chống lãng phí". Thật ra, bằng "mắt thường", ai trong chúng ta cũng thấy lãng phí, gần như "nhìn lâu thấy quen luôn".

Báo chí không ngớt đưa tin về những "đô thị ma" ở các địa phương, kết quả của việc đầu tư quá mức vào bất động sản. Điều quan trọng cần lưu ý là ngành bất động sản đóng vai trò lớn hơn nhiều trong nền kinh tế. Không thu được thuế từ ngành này cũng là sự lãng phí không hề nhỏ. Chính quyền có thể bù đắp cho sự thiếu hụt thu nhập từ đất đai thông qua thuế bất động sản, với mức thuế tăng lũy tiến theo giá trị bất động sản.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á.

Theo dự báo mới của WB, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam dự kiến sẽ đạt 6,1% vào cuối năm 2024 (tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 6) và 6,5% vào năm 2025; ADB duy trì dự báo tăng trưởng ở mức 6,5% (cao hơn 0,5% so với dự báo tháng 7 năm 2024); và IMF dự báo ở mức 6,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4 năm 2024. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng trưởng 2024 là 7% (hoặc hơn nữa, 8%).

Nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo Báo cáo đầu tư ASEAN 2024, từ năm 2021 đến năm 2023, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines trung bình khoảng 236 tỷ đô la một năm. 

Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh mẽ đang gặp phải những rào cản trong nước. Vẫn còn những vấn đề như tham nhũng, lãng phí, bộ máy công quyền hiệu năng thấp, cồng kềnh và kém hiệu quả. Chính vì vậy, Tổng Bí Thư Tô Lâm quyết liệt tinh gọn bộ máy, tiết kiệm tiền của và thời gian cho nhân dân. Ông nhấn mạnh đây là "một cuộc cách mạng, nếu chậm trễ, sẽ có lỗi với dân, với nước".

Cần làm gì cho kỷ nguyên phát triển?

40 năm qua, hội nhập toàn cầu là động lực chính thúc đẩy sự phát triển thành công của Việt Nam, tạo nên một trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài nhất và nhanh nhất trong lịch sử hiện đại.

Ngày nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, với khoảng 50% GDP và việc làm phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu. Dựa trên thành công của mình, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nền kinh tế hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Đó là kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn lên của dân tộc, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển với thu nhập bình quân đầu người vào năm 2045 là 18.000 USD/đầu người.

Việt Nam cần làm gì để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045?

Điều này đòi hỏi phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao trong hai thập kỷ tới. Thành công trong việc đạt được mục tiêu này phụ thuộc vào việc tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu thông qua đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo.

Bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng để duy trì tăng trưởng nhanh, Việt Nam cần chuyển đổi từ lao động lắp ráp và sản xuất giá trị gia tăng thấp sang phát triển sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Mô hình tăng trưởng do xuất khẩu hiện tại của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khâu chế biến cuối cùng, đòi hỏi nhiều lao động, tạo ra giá trị gia tăng tương đối thấp, không đủ để mang lại tăng trưởng năng suất cần thiết để đạt được mục tiêu đó.

Ngoài các giải pháp chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tinh gọn bộ máy, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời chống lãng phí các nguồn lực "cứng", chúng ta cần nhiều hơn các giải pháp mang tính kỹ thuật nhằm duy trì mục tiêu tăng trưởng cao trong 20 năm tới.

Theo đó, cần tăng tốc đầu tư và tăng trưởng năng suất. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách cơ cấu, đẩy mạnh đầu tư công và quản lý hiệu quả các rủi ro tài chính mới nổi.

Phát triển thị trường vốn nhằm cung cấp nguồn tài trợ dài hạn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài. Cải cách thể chế nhằm tăng cường tính minh bạch của thị trường và bảo vệ nhà đầu tư sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.

Bất luận thế nào, hầu hết các dự báo về kinh tế Việt Nam là rất tươi sáng, và không gì ngăn cản được toàn dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, xứng tầm một nền kinh tế phát triển.

Trần Ngọc Châu

Top