Tổ chức 'Diễn đàn nhân dân' hằng quý để người dân góp ý với chính quyền

03/10/2024 3:33 PM

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu ý kiến này khi phát biểu tại Phiên bế mạc Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra sáng 3/10.

Tổ chức 'Diễn đàn nhân dân' hằng quý để người dân góp ý với chính quyền- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Đại hội - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM nhiệm kỳ 2021-2025, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Thành phố đề ra 22 chỉ tiêu chính. Trong đó, có 14 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt, như duy trì đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học; tổng tỉ suất sinh; tỉ lệ 100% số hộ dân sử dụng nước sạch; không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước; còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố…

Có 5 chỉ tiêu phấn đấu đạt ít nhất từ 80% trở lên như: Kinh tế số; diện tích nhà ở xã hội; công viên cây xanh; tỉ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới, tái chế.

3 chỉ tiêu dự kiến không đạt gồm: Tăng trưởng GRDP; tổng vốn đầu tư xã hội và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội.

Lý giải nguyên nhân các chỉ tiêu khó đạt, ông Mãi cho biết đây là những chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội. Do tác động khách quan của đại dịch COVID-19 cũng do các vấn đề nội tại như cơ cấu kinh tế, điểm nghẽn về hạ tầng, về thể chế và hiệu lực hiệu quả của bộ máy mà Thành phố không đạt được chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định Thành phố đã nhận diện được các vấn đề để giải quyết có hiệu quả trong thời gian tới.

Cụ thể, UBND Thành phố đã ban hành Công văn 3843, trong đó xác định những trọng tâm từ đây đến cuối năm 2025 và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương.

Thành phố cũng ban hành Chỉ thị số 12 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố đến năm 2025. Chỉ thị đã xác định các nhóm giải pháp đột phá về tăng trưởng, như giải pháp đầu tư, đẩy mạnh đầu tư công để dẫn dắt đầu tư; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực phát triển…

Tổ chức 'Diễn đàn nhân dân' hằng quý để người dân góp ý với chính quyền- Ảnh 2.

Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 bế mạc vào sáng 3/10 - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Đặt ra 6 nhiệm vụ, 3 đột phá

Cũng theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, TPHCM đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2026-2030, đó là: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; Xây dựng đô thị hiện đại, thông minh, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực; Phát triển mạnh về văn hóa, xã hội, giáo dục-đào tạo, xây dựng con người Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; Đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; Cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và hiệu quả quản trị đô thị.

Thành phố cũng đề ra 3 đột phá là: Hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị; Phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược.

Chủ tịch Thành phố cũng đề nghị MTTQ Việt Nam TPHCM thực hiện 3 nội dung trọng tâm. Trong đó, tổ chức "Diễn đàn nhân dân" hằng quý hoặc hằng tháng, để người dân cùng tham gia góp ý với chính quyền.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam TPHCM nên có chương trình "Sáng kiến nhân dân xây dựng Thành phố". Đồng thời, MTTQ Việt Nam TPHCM cần tích cực tham gia đóng góp trực tiếp cho các công trình, dự án lớn của Thành phố…

Tại Đại hội, Chủ tịch UBND Thành phố thông tin về Đề án phát triển đường sắt đô thị. Đến năm 2035, TPHCM phải cơ bản hoàn thành 183 km đường sắt đô thị và cần 36 tỷ USD để thực hiện.

Chủ tịch Thành phố cho rằng, đây là dự án lớn, cần huy động sự đóng góp của người dân. Cụ thể, Thành phố sẽ cơ cơ chế phát hành trái phiếu đường sắt đô thị.

"Thay vì người dân gửi tiền vào ngân hàng thì có thể mua trái phiếu để cùng đóng góp xây dựng Thành phố", Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.

Ngoài Đề án trên, Chủ tịch UBND TPHCM cũng thông tin về dự án đường Vành đai 4 TPHCM. Dự án dài 206 km với kinh phí khoảng 136.000 tỷ đồng. Dự án áp dụng hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó ngân sách Nhà nước tham gia tối đa không quá 70%, phần còn lại các nhà đầu tư chịu trách nhiệm. TPHCM phấn đấu trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Vũ Phong

Top