TPHCM cần cơ chế đột phá về tài chính, môi trường làm việc để thu hút các chuyên gia
(Chinhphu.vn) - Chiều 14/11, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia đề xuất về cơ chế huy động các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia cùng Thành phố trong tư vấn xây dựng và phản biện chính sách.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, thời gian qua, Thành phố đã thực hiện nhiều hình thức kêu gọi tham mưu, hiến kế từ các chuyên gia, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.
Để làm tốt việc này trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng cần chú trọng đặt hàng những vấn đề đủ lớn, cần có thời gian chuẩn bị kỹ càng, đồng thời tiếp cận với những chuyên gia chất lượng, đủ tâm huyết.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế - TS. Trần Du Lịch cho rằng, cơ chế đầu tiên là phải để bộ máy hành chính hấp thụ tri thức chuyên gia vào tất cả các ngành.
Theo ông, Sở Khoa học và Công nghệ cùng với Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố cần xây dựng đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học, trong đó tập trung vào 3 nội dung: Đánh giá toàn diện lực lượng chuyên gia Thành phố và khả năng thu hút chuyên gia nước ngoài; đánh giá những vướng mắc trong khâu thu hút chuyên gia; Thành phố có đột phá gì về cơ chế, chính sách đối với chuyên gia.
Còn theo PGS.TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, Thành phố cần có cơ chế tài chính đối với các chuyên gia, cụ thể là thiết lập hợp đồng với chuyên gia và xem đây là vấn đề cốt lõi trong việc thu hút họ. Các chuyên gia phải được đãi ngộ, tôn trọng và việc góp ý của họ phải mang tính dài hạn.
Ông Cương nêu dẫn chứng, các nước trên thế giới thuê chuyên gia theo từng ngành và trả lương theo giá trị của công việc.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Thị Cành, Cố vấn khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và tài chính (Trường Đại học Kinh tế-Luật, ĐHQG TPHCM) cho biết bà đã làm nhiệm vụ tư vấn cho nhiều quốc gia và các nước có chính sách đãi ngộ rất tốt. Đối chiếu với trong nước, cũng cùng một công việc như vậy nhưng không được đãi ngộ bằng.
Bà cho rằng Thành phố cần xem lại cách thức tổ chức, phân bổ kinh phí và các thủ tục. Hiện nay thủ tục, yêu cầu còn rất rườm rà, phức tạp nên khó thu hút chuyên gia.
Còn GS. Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy TPHCM thì khẳng định trí thức cần nhất là môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc và đội ngũ cộng sự làm việc. Trong khi đó, cơ chế của Thành phố không được như thế. Theo ông, muốn thu hút thì Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Khoa học Thành phố, Viện Nghiên cứu phát triển cùng ĐHQG TPHCM cũng như các trường phải nắm được những người đầu ngành, chuyên gia từng ngành. Cùng với đó, trên cơ sở đường lối, chủ trương của Thành phố, phải cùng các cơ quan hữu quan kiến tạo, tập hợp một số trí thức vào một số lĩnh vực và hình thành các chương trình khoa học của Thành phố.
Vũ Phong