TPHCM cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
(Chinhphu.vn) - Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng, kinh tế Thành phố đã phục hồi so với quý I/2022 nhưng vẫn chậm hơn so với cùng kỳ và so với mặt bằng chung của cả nước, đặc biệt là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Rất nhiều giải pháp đã được triển khai nhưng chưa có sự chuyển biến.
Sáng 2/6, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5, 5 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 6 năm 2022. Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Phan Thị Thắng, Dương Anh Đức, Ngô Minh Châu chủ trì phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, bà Phan Thị Thắng cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11 của Chính phủ để đưa nền kinh tế đi lên, phát triển mạnh mẽ.
Về công tác chỉ đạo, điều hành, trong 5 tháng, Thành phố đã tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo chủ trương vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Kết quả phục hồi kinh tế, theo báo cáo, có rất nhiều điểm sáng, bên cạnh đó cũng còn nhiều nội dung cần phấn đầu.
Đồng thời, Thành phố đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố và dự thảo một Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
Trong các tháng vừa qua, Thành phố đã đẩy mạnh hoàn tất các trình tự, thủ tục để cùng với các bộ, ngành Trung ương trình Quốc hội xem xét chủ trương thực hiện dự án đường vành đai 3.
Thành phố cũng đã ra mắt Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 là đề án phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp nước ngoài để nắm bắt nhu cầu và xu hướng sắp tới trong hoạt động kinh doanh đầu tư tại Thành phố…
Tuy nhiên, bà Thắng cho biết, Thành phố đã thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế từ sớm nhưng chưa thể hài lòng với kết quả này. Hiện tại, người dân và doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, cần sự đồng lòng, phối hợp của các ngành, các cấp và chính quyền thì mới có thể giải quyết được những khó khăn đó.
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; duy trì chương trình bình ổn giá
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho rằng, tuy kinh tế Thành phố phục hồi so với quý I nhưng chậm so với cùng kỳ và so với mặt bằng chung của cả nước, đặc biệt là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Rất nhiều giải pháp đã được triển khai nhưng chưa có sự chuyển biến, vì vậy, đề nghị sở, ngành liên quan nhanh chóng đề ra giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Bà Thắng nêu rõ, trong công tác giải ngân vốn đầu tư công có 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là những đơn vị chủ đầu tư đã được bố trí vốn nhưng chưa thực hiện được thì cần phải tự rà soát lại những vướng mắc để tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Ngoài ra, những đơn vị phân bổ vốn đến thời điểm hiện nay vẫn chưa phân bổ vốn của năm 2022, vì vậy cần xem xét, có giải pháp, nếu không đến cuối năm, Thành phố không thể hoàn thành nhiệm vụ này.
Cũng theo bà Phan Thị Thắng, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá nguyên liệu tăng, ảnh hưởng đến giá cả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng lạm phát. Trong thời gian vừa qua, đến đầu tháng 4, Thành phố đã hoàn thành chương trình bình ổn giá cho năm 2022 và quý I/2023. Đây là chương trình nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp và người dân, giúp ổn định thị trường. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng cao đã gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá. Vì vậy, các sở, ngành liên quan cần rà soát, tính toán các yếu tố lâu dài để chương trình bình ổn giá được bền vững, tạo sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.
"Chương trình này hiện đang được Chính phủ đánh giá cao, mong các ngành tiếp tục duy trì", bà Thắng nhấn mạnh.
Anh Thơ