TPHCM cần làm gì để sớm gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO?
(Chinhphu.vn) - Việc khai thác các nguồn lực văn hóa của TPHCM hướng đến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO là cơ hội để nâng cao vị thế của TPHCM trên trường quốc tế, khẳng định bản sắc và thương hiệu của một thành phố sáng tạo hàng đầu cả nước.

TPHCM cần tiếp cận công nghiệp văn hóa để xây dựng và phát huy tính sáng tạo trong quá trình phát triển - Ảnh minh họa
Từ năm 2004, UNESCO đã thành lập Mạng lưới Thành phố sáng tạo nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố, xem sáng tạo là động lực, là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.
Tính đến nay, Mạng lưới Thành phố sáng tạo có hàng trăm thành phố thuộc các châu lục trên thế giới tham gia; tập trung vào 7 lĩnh vực gồm: Thiết kế; Văn học; Âm nhạc; Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; Ẩm thực, Điện ảnh và Nghệ thuật truyền thông.
Tại Việt Nam, năm 2019, UNESCO công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực "Thiết kế". Mới đây, tháng 10/2023, UNESCO công nhận Hội An là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực "Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian" và Đà Lạt là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực "Âm nhạc".
Ngày 16/4/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển Mạng lưới Thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO.
Theo kế hoạch này, TPHCM cũng là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu... có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, TPHCM có truyền thống văn hóa lâu đời, là nền tảng cho sự hình thành tiểu vùng văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Thêm vào đó, Thành phố là điểm giao thoa của nhiều vùng văn hóa trong nước, cùng với đó là sự hội nhập sâu - rộng với văn hóa quốc tế đã tạo nên một hệ thống di sản văn hóa phong phú, độc đáo với những giá trị cốt lõi như lối sống cởi mở, tinh thần kinh doanh, sáng tạo.
"Những giá trị văn hóa độc đáo ấy chính là nguồn lực nội sinh quan trọng của TPHCM. Khai thác và phát huy những giá trị văn hóa này sẽ là chiến lược đúng đắn để Thành phố phát triển bền vững, nâng tầm vị thế và khẳng định bản sắc riêng.
Việc khai thác các nguồn lực văn hóa của TPHCM hướng đến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO là cơ hội để nâng cao vị thế của TPHCM trên trường quốc tế, khẳng định bản sắc và thương hiệu của một thành phố sáng tạo hàng đầu của cả nước", ông Phạm Bình An nhấn mạnh.
TPHCM có nên chọn điện ảnh là mũi nhọn?
Ngày 25/10/2023, UBND TPHCM ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030, trong đó có mục tiêu gia nhập nạng lưới sáng tạo thuộc Mạng lưới Thành phố sáng tạo UNESCO.
Hiện nay, Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh là một trong những lợi thế, thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa ở Thành phố. Doanh thu của điện ảnh hiện không thua kém gì doanh thu ở các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, theo GS.TS. Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, việc Thành phố chọn điện ảnh là lĩnh vực mũi nhọn để tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo sẽ khó thực hiện được theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vì điện ảnh cần sự đầu tư rất lớn, trong khi dù đứng đầu cả nước, nhưng điện ảnh Thành phố vẫn chưa đi vào chiều sâu, chưa có bản sắc riêng và chưa đi vào cộng đồng.
Vì vậy, ông Tiến cho rằng Thành phố cần tìm lĩnh vực phù hợp hơn như nghệ thuật truyền thống vì nó có thể đi vào nhiều lĩnh vực nghệ thuật, mang tính cộng đồng cao để xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Phát huy công nghiệp văn hóa
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Liên, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II, sự phát triển mạnh lực lượng nhạc sĩ trẻ ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng là một biểu hiện của công nghiệp văn hóa của TPHCM. Số lượng nhạc sĩ tập trung ở TPHCM khá đông với khoảng trên 300 người. Các nhạc sĩ trẻ khá năng động, sản phẩm âm nhạc của họ phần nào đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, dân số TPHCM có hơn 10 triệu người, đa phần người trẻ là một thời cơ, tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Còn TS. Phạm Văn Luân, giảng viên Trường Đại học Văn hóa TPHCM thì cho rằng, một trong những nguyên nhân chính mà TPHCM chưa trở thành Thành phố sáng tạo là do Thành phố chưa tiếp cận công nghiệp văn hóa để xây dựng và phát huy văn hóa sáng tạo trong quá trình xây dựng và phát triển.
Công nghiệp văn hóa sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển đời sống xã hội, đem lại những giá trị trực tiếp và gián tiếp, như tạo ra cơ hội công ăn việc làm mới; thúc đẩy tiến trình cải tiến sản xuất, kinh doanh; mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo du lịch văn hóa TPHCM.
"Công nghiệp văn hóa cũng được xem là một cách tiếp cận sáng tạo và nhất quán khi xây dựng TPHCM trở thành "Thành phố sáng tạo", mở ra cơ hội tận dụng tối đa nguồn lực quan trọng từ lực lượng nghệ nhân, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, doanh nhân... khai thác một cách hữu hiệu các cơ sở vật chất, tài sản tinh thần vốn là nguồn lực xã hội đang bị "lãng quên" như Trường đua Phú Thọ với lịch sử hàng trăm năm nay đang bị bỏ hoang hay làng nghề Một thoáng Việt Nam đang trong tình trạng cầm cự không hoạt động...", TS. Phạm Văn Luân nhận định.
Vũ Phong