Chuẩn bị hàng hóa trị giá 22.000 tỷ đồng phục vụ bình ổn thị trường Tết

05/12/2023 7:01 PM

(Chinhphu.vn) - Các doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường TPHCM đã chuẩn bị hàng hóa trị giá hơn 22.000 tỷ đồng phục vụ 2 tháng (trước, trong và sau) Tết Giáp Thìn 2024.

Chuẩn bị hàng hóa trị giá 22.000 tỷ đồng phục vụ bình ổn thị trường Tết- Ảnh 1.

Hàng bình ổn thị trường dịp Tết Giáp Thìn chiếm thị phần từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường - Ảnh: VGP/Anh Lê

Sở Công Thương TPHCM vừa có báo cáo về công tác triển khai chương trình bình ổn thị trường và chuẩn bị hàng hóa Tết Giáp Thìn 2024 trên địa bàn thành phố.

Hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25-43%

Theo thống kê của Sở Công Thương Thành phố, 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán; là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối; là các doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.

Cụ thể, Chương trình có sự tham gia, đồng hành của phần lớn các hệ thống phân phối lớn như: Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market (phân phối)…; các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn như: Vissan, C.P Việt Nam, Sagri (thịt gia súc), Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt (trứng gia cầm); Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương, Lộc Trời (gạo); Colusa – Miliket, Bình Tây (mì, bún, phở khô); San Hà, Long Bình, Feddy (thịt gia cầm); Phong Thúy, Xuân Thái Thịnh, Phước An (rau củ quả)…

Về nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 02 tháng Tết Giáp Thìn, các DN bình ổn thị trường chuẩn bị hàng hóa trị giá hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó hơn 8.500 tỷ đồng là hàng bình ổn thị trường.

Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43%; bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng ra thị trường 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản… Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)… kiên quyết ko để xảy ra khan thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.

Riêng mặt hàng gạo, với nguồn lực hiện có, gồm các tập đoàn kinh doanh gạo quy mô lớn như Vinh Phát, Lương thực Thành phố, Tấn Vương, Lộc Trời…; cùng với sự chia sẻ thông tin, phối hợp kịp thời của các địa phương vùng nguyên liệu, các hệ thống phân phối lớn của Thành phố; Sở Công Thương nhận định thị trường gạo trên địa bàn Thành phố từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ duy trì ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu.

Giá cả ổn định dịp Tết

Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các DN tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 01 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 02 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Đồng thời, DN tích cực hưởng ứng Chương trình "Shopping Season" đợt 2 năm 2022, đẩy mạnh triển khai giảm giá sâu nhiều mặt hàng, tập trung vào các mặt hàng Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...

Chuẩn bị hàng hóa trị giá 22.000 tỷ đồng phục vụ bình ổn thị trường Tết- Ảnh 2.

Đặc sản vùng miền, các sản phẩm OCOP chất lượng đến gần với người tiêu dùng Thành phố trong dịp cuối năm thông qua các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành - Ảnh: VGP/Anh Lê

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết năm 2023 là năm đầu tiên thành phố triển khai chương trình bình ổn thị trường theo quy chế. Doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành và tuân thủ nghiêm các quy định của chương trình; góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra bất kỳ tình huống khan hàng, số giá do đầu cơ.

Cũng theo ông Phương, năm 2023 là năm cao điểm Thành phố đẩy mạnh liên kết vùng, đến nay Thành phố đã ký hợp tác phát triển kinh tế xã hội với 38 tỉnh, thành trên cả nước. Riêng lĩnh vực thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, Thành phố không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Thành phố, đưa đặc sản vùng miền đến gần với người tiêu dùng Thành phố, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Lãnh đạo Sở Công Thương Thành phố cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương Thành phố sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến dịp Tết như bánh kẹo, nước giải khát…; chủ động có phương án hoặc để xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Anh Lê

Top