TPHCM có khát vọng trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu khu vực

14/03/2025 7:20 PM

(Chinhphu.vn) - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tại hội thảo "Công nghệ đóng gói, kiểm thử tiên tiến: Cơ hội cho Việt Nam" do Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp cùng Tập đoàn CT Group tổ chức ngày 14/3.

TPHCM có khát vọng trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu khu vực- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/Nguyễn Trần

Lợi thế: Quyết sách của Chính phủ, dồi dào nguồn nhân lực

Là một trong những khâu quan trọng của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, ngành công nghiệp đóng gói, kiểm thử (Outsourced Semiconductor Assembly And Test, viết tắt là OSAT) không chỉ tạo ra giá trị gia tăng lớn mà còn đóng vai trò trọng yếu trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

Với sự tham gia của các chuyên gia bán dẫn quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước am hiểu về sự phát triển và các xu hướng công nghệ của công nghiệp OSAT, hội thảo đã tập trung thảo luận về định hướng phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực và công nghệ cho nền công nghiệp OSAT tại Việt Nam.

Theo ông Andrew Goh, Phó Chủ tịch Lam Research (tập đoàn cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới thành lập từ năm 1980, có trụ sở tại Hoa Kỳ), khu vực Đông Nam Á đứng thứ 2 toàn cầu về công nghiệp bán dẫn. Trong đó, Singapore, Malaysia đã đi trước Việt Nam cả chục năm về đầu tư phát triển nhân lực lĩnh vực này. Tuy nhiên, Việt Nam hiện có nhiều lợi thế như các quyết sách của Chính phủ, dồi dào về nguồn nhân lực. Do đó, Việt Nam cần đầu tư mạnh để phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ vi mạch, bán dẫn. 

Tiếp đến, để phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, Việt Nam nên tập trung mạnh ở khâu đóng gói, kiểm thử chíp tiên tiến. Bởi đây là lĩnh vực đang khát nguồn nhân lực và Việt Nam có lợi thế rất lớn về cạnh tranh nguồn nhân lực ở lĩnh vực quan trọng này.

Nói về kinh nghiệm đào tạo nhân lực công nghệ bán dẫn, GS Lữ Minh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Minh Tân (Đài Loan Trung Quốc) cho biết, chính quyền Đài Loan có nhiều chính sách đầu tư quan trọng để trường phát triển. Cụ thể, cách đây 8 năm, Bộ Giáo dục Đài Loan đã đầu tư cho trường dây chuyền sản xuất, đóng gói chíp bán dẫn để hỗ trợ cho công tác đào tạo và thực hành của sinh viên.

Tiếp đến là thành lập Viện bán dẫn đầu tiên của Đài Loan đặt tại trường... Đây là những điều kiện thuận lợi nhất về mặt hỗ trợ của nhà nước để trường trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu về chíp bán dẫn ở Đài Loan.

Với ĐHQG TPHCM, GS. TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học, cho biết đào tạo nhân lực cho lĩnh vực công nghệ vi mạch, bán dẫn rất đắt đỏ. Do đó, các trường đại học không thể tự mình mà cần sự hỗ trợ, hợp lực từ nhiều phía.

Theo đó, Nhà nước cần có những chính sách đầu tư về cơ sở vật chất, chương trình học bổng... Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tham gia đào tạo vì các trường không thể đào tạo tất cả các khâu của những lĩnh vực này. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần đặt hàng, hỗ trợ học bổng, tạo điều kiện để sinh viên thực hành, thực tập tại các phòng thí nghiệm…

TPHCM có khát vọng trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu khu vực- Ảnh 2.

PGS. TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM phát biểu - Ảnh: VGP/Nguyễn Trần

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp OSAT tiên tiến

Chủ tịch Tập đoàn CT Group, ông Trần Kim Chung cho hay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Năm 2024, toàn cầu đã bán ra hơn 1.000 tỷ chip, tương đương với 125 chip/người, cao hơn bất cứ loại hàng hóa công nghệ nào và tốc độ tiếp tục tăng trưởng hai con số hằng năm.

Theo ông Trần Kim Chung, Công ty thành viên của CT Group, CT Semiconductor (CTS), đơn vị chuyên về làm OSAT đầu tiên của Việt Nam đặt mục tiêu phát triển để trở thành một tập đoàn Việt Nam thực sự làm chủ công nghệ bán dẫn. Hiện CTS đang nhanh chóng triển khai 3 nhà máy chuyên lắp ráp, kiểm thử và đóng gói sản phẩm bán dẫn của Việt Nam. Trong đó, 1 nhà máy dự kiến sẽ được khánh thành ngay trong năm 2025.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu về chip bán dẫn ngày càng tăng mạnh. Sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này đòi hỏi một hệ sinh thái toàn diện từ nghiên cứu - phát triển, sản xuất, kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, TPHCM đang triển khai các chính sách theo Nghị quyết số 98 và Nghị quyết 193 của Quốc hội; Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị; kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 tại TPHCM…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết đây là một trong những bước đi quan trọng để đưa TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp vi mạch bán dẫn hàng đầu khu vực và thu hút các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất của ngành trên thị trường quốc tế như Intel, Tập đoàn Công nghệ Marvell (Hoa Kỳ), Công ty BE Semiconductor Industries NV, Samsung, Nidec, Microchip... tạo nên những nét chính của hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Thành phố có khát vọng mạnh mẽ trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để hiện thực hóa, cần sự chung tay của các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia công nghệ và các nhà đầu tư. Do đó, ông kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực vi mạch tại TPHCM, tận dụng các chính sách ưu đãi và môi trường kinh doanh thuận lợi mà Thành phố đang triển khai.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, nhìn nhận ngành công nghiệp đóng gói, kiểm thử chip là một trong những khâu quan trọng của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, không chỉ tạo ra giá trị gia tăng lớn mà còn đóng vai trò trọng yếu trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để thúc đẩy ngành OSAT, giúp Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, tuy nhiên, Giám đốc ĐHQG TPHCM mong các chuyên gia quốc tế am hiểu về sự phát triển và các xu hướng công nghệ của công nghiệp OSAT có những giải pháp về sự phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực và công nghệ cho nền công nghiệp OSAT tại Việt Nam.

Theo PGS. TS Vũ Hải Quân, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp OSAT tiên tiến, nhưng để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, cần hiểu rõ nhu cầu nhân lực, công nghệ của công đoạn đóng gói, kiểm thử, đồng thời đầu tư đúng hướng cho phát triển chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, trang thiết bị giảng dạy, nghiên cứu và quan hệ hợp tác giữa: Nhà nước - trường đại học - doanh nghiệp.

TPHCM có khát vọng trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu khu vực- Ảnh 3.

ĐHQG TPHCM và Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Minh Tân ký hợp tác - Ảnh: VGP/Nguyễn Trần

Tại hội thảo đã diễn ra lễ ký hợp tác giữa ĐHQG TPHCM với CT Group và Đại học Khoa học và Kỹ thuật Minh Tân, mở ra những cơ hội thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong nghiên cứu và đào tạo lĩnh vực bán dẫn giữa các đơn vị.

Với trọng trách là hạt nhân trong phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, từ năm 2023, ĐHQG TPHCM đã chủ động xây dựng Chương trình phát triển ĐHQG TPHCM thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu châu Á về công nghệ bán dẫn và triển khai chuỗi chương trình trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu:

- Xây dựng Chương trình đào tạo tài năng thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn ở cả ba bậc đại học, thạc sĩ, và tiến sĩ và Chương trình đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ.

- Chuẩn bị cho việc thành lập Viện Nghiên cứu bán dẫn ĐHQG TPHCM (VSRI), đóng vai trò trung tâm nghiên cứu và hợp tác với doanh nghiệp.

- Phát triển hợp tác với các trường đại học và tập đoàn công nghệ hàng đầu như Đại học Purdue, Intel, Synopsys, NVIDIA… để triển khai các chương trình đào tạo thực hành và nghiên cứu ứng dụng.

- Đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm chuyên sâu, phục vụ đào tạo thực hành và nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch và kiểm thử - đóng gói.

- Xây dựng dự án đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm dùng chung cấp quốc gia.

Nguyễn Trần

Top