Thành phố đặt mục tiêu xây xong 4.500 phòng học mới vào năm 2025
(Chinhphu.vn) - TPHCM hiện đang thực hiện đề án xây dựng 4.500 phòng học mới với mục tiêu hoàn thành vào năm 2025, chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ảnh minh họa
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, tính đến năm học 2023-2024, toàn Thành phố có 2.737 cơ sở giáo dục và đào tạo, trong đó, có 1.481 đơn vị công lập; 1.256 đơn vị ngoài công lập. Toàn Thành phố có 50.655 phòng học từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt.
Mạng lưới trường lớp công lập đã được phủ khắp 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức với quy mô ngày một tăng. Tuy nhiên, hiện Thành phố vẫn còn một số quận, huyện có nhiều trường THCS, tiểu học có sĩ số cao hơn quy định, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện không đảm bảo theo chuẩn quy định…
Ngoài ra, kết quả thực hiện chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 - 18 tuổi) không đồng đều giữa các cấp học; tỉ lệ thực hiện ở cấp tiểu học và THCS thấp (tập trung tại TP. Thủ Đức và một số quận, huyện như 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn).
Vì vậy, Sở GD&ĐT khẳng định, chủ trương đầu tư xây dựng 4.500 phòng học mới ngoài việc hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước còn hướng tới mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân.
Ba khó khăn chính
Nêu những khó khăn mà chủ trương xây dựng 4.500 phòng học mới gặp phải khi tổ chức thực hiện đề án, Sở GD&ĐT cho biết, thực tiễn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 cho thấy sẽ có nhiều khó khăn như về tiến độ thực hiện chậm, vướng mắc về thủ tục trình thông qua dự án...
Ngoài ra, quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch giáo dục cơ bản đã triển khai đầu tư, hiện nay hầu hết các dự án đầu tư xây dựng trường mới đều quy hoạch trên đất phải thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến khó và chậm triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra, do quy trình thực hiện nhiều bước và giá cả thay đổi.
Bên cạnh đó, vào thời điểm hiện tại, TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện đang thực hiện điều chỉnh nhiều đồ án quy hoạch, do đó việc đề xuất đầu tư bị ảnh hưởng.
Để thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học mới với mục tiêu hoàn thành vào năm 2025, chào mừng 50 năm thống nhất đất nước, Sở GD&ĐT đã xác định thực hiện đầu tư hoàn thành 270 dự án thuộc 03 nhóm để đưa 5.815 phòng học (trong đó tăng thêm 4.483 phòng) vào sử dụng.
Trong đó, Nhóm 1 là các công trình trường học đã có trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025, thuận lợi về thủ tục hồ sơ, đề nghị ưu tiên giao vốn và đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Nhóm 2 là danh mục các công trình trường học đề xuất mới khả thi đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Nhóm 3 là danh mục các công trình trường học thuận lợi về pháp lý đất đai có thể tháo gỡ các nội dung liên quan để đẩy nhanh đầu tư.
Sở GD&ĐT cho hay, trong tháng 11 sẽ thực hiện các buổi làm việc với sở, ban ngành liên quan cùng UBND TP. Thủ Đức, 21 quận, huyện nhằm xác định giải pháp tối ưu, hiệu quả để đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp và tăng số lượng phòng học giai đoạn 2023-2025.
Cụ thể, Sở sẽ đề xuất UBND Thành phố ưu tiên sắp xếp, cân đối nguồn vốn để bố trí cho các dự án.
Đồng thời, đề xuất các sở, ngành như tài chính, kế hoạch đầu tư… phối hợp chặt chẽ trong công tác, giải ngân và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng dự án cụ thể theo chức năng, thẩm quyền.
Để đề án xây dựng 4.500 phòng học thành công, các sở cũng cần phối hợp rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm tăng quỹ đất đầu tư xây dựng trường lớp.
Anh Thơ