TPHCM đi đầu trong thanh toán không dùng tiền mặt
(Chinhphu.vn) - TPHCM là một trong số những địa phương tích cực và đi đầu trong công tác thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (hợp nhất Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử), kết nối hệ thống định danh công dân theo Đề án 06, thiết lập 1.590 thủ tục hành chính trên môi trường số; triển khai 635 dịch vụ công trực tuyến.
Nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Tuần lễ Chuyển đổi số của TPHCM, dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ngày 17/10, Thời báo Ngân hàng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Hội Tin học Thành phố tổ chức hội thảo: "Thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt tại TPHCM".
Dự hội thảo có ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng; lãnh đạo một số tỉnh, bộ, ngành, sở, ban, ngành Thành phố; các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, công ty trung gian thanh toán trong và ngoài nước; doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ…
Nhiều sở, ngành, cơ sở kinh doanh đẩy mạnh TTKDTM
Hiện nay, TPHCM là một trong số những địa phương tích cực và đi đầu trong công tác thúc đẩy TTKDTM. Thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM (hợp nhất Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử), kết nối hệ thống định danh công dân theo Đề án 06, thiết lập 1.590 thủ tục hành chính trên môi trường số; triển khai 635 dịch vụ công trực tuyến.
Là trung tâm thương mại dịch – dịch vụ lớn nhất cả nước, trong lĩnh vực công thương, Thành phố cũng đẩy mạnh TTKDTM. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, Thành phố có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực thương mại với 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại… Các cơ sở này đều tham gia vào hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, tỉ lệ TTKDTM của TPHCM cao thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố ưu tiên TTKDTM. Theo ông Đặng Anh Long, Trưởng Phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đơn vị đang triển khai giải pháp TTKDTM trên phạm vi rộng, không giới hạn thời gian, không gian. Bệnh nhân có thể thanh toán đăng ký khám bệnh qua App và Kios; thanh toán qua thẻ khám chữa bệnh kiêm ATM; thanh toán viện phí ngoại trú và nội trú; thanh toán với ngân sách; thanh toán tiền thuốc tại nhà thuốc.
Theo các chuyên gia, những chuyển biến tích cực trong TTKDTM các dịch vụ công một phần đến từ việc các ngân hàng, trung gian thanh toán tích cực xây dựng hệ sinh thái thanh toán số.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) chia sẻ: "Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán cùng với xu hướng chung và theo định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. NAPAS là đơn vị xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia. NAPAS đã và đang xây dựng hạ tầng số hóa thanh toán, để sẵn sàng đáp ứng cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán hiện tại, cũng như tương lai".
Đến nay, thị trường đã có đầy đủ các sản phẩm thẻ NAPAS do các ngân hàng, công ty tài chính Việt Nam phát hành phục vụ nhu cầu thanh toán đa dạng của người dân, bên cạnh là các giải pháp mới như SoftPOS và dịch vụ Tap to phone giúp tạo điều kiện cho các đơn vị chấp nhận thanh toán nhỏ có thể được triển khai chấp nhận thanh toán thẻ. Đồng thời, NAPAS đã và đang phát triển các SPDV đa kênh, đa phương tiện, hỗ trợ thanh toán dịch vụ công các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông công cộng và các nhu cầu khác của thị trường.
NHNN đồng hành cùng các địa phương thúc đẩy TTKDTM
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nói chung, TTKDTM trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công nói riêng là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ từ giữa thập niên trước đến nay. Cụ thể hóa chủ trương này, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM.
Theo đó, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về TTKDTM tiếp tục được hoàn thiện, hỗ trợ, thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công. NHNN luôn quan tâm nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác… cho phép các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi, mở rộng phạm vi cung ứng trên toàn quốc để giảm thời gian và chi phí giao dịch cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC, thanh toán, chuyển tiền, rút tiền tại ATM bằng mã QR, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ…
Đối với công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng thương mại tiếp tục được chú trọng và tăng cường. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đã được kết nối với toàn bộ 63 Kho bạc Nhà nước (KBNN) cấp tỉnh trong cả nước. NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ kết nối với các cơ quan liên quan (Thuế, Hải quan, KBNN) cải tiến, đa dạng hóa các kênh thu, nộp thuế, tạo nhiều tiện ích và thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân nộp thuế.
Cùng với đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến, cho phép người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện thanh toán trực tuyến. NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ, nghiên cứu, có giải pháp kết nối với Cổng DVCQG; việc thúc đẩy mạnh TTKDTM đối với các dịch vụ giáo dục, y tế, điện, nước, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp… cũng được chú trọng.
Lê Anh