TPHCM đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất xanh

09/02/2024 9:28 AM

(Chinhphu.vn) - Cùng với triển vọng kinh tế mĩ mô trong nước được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2024, TPHCM đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu theo hướng xanh, bền vững góp phần vào mục tiêu đưa kinh tế TPHCM tăng trưởng từ 7,5-8% trong năm 2024.

TPHCM đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất xanh- Ảnh 1.

Bà Lý Kim Chi

Triển vọng sản xuất tích cực

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho biết, trong tháng 1/2024, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống đã có những triển vọng tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 23,5% so với tháng cùng kỳ năm 2023; trong đó ngành sản xuất chế biến thực phẩm ước tăng 23,7%.

Tình hình phát triển của ngành chế biến lương thực thực phẩm khả quan xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, góp phần đưa chỉ số IIP ngành này tăng trưởng ấn tượng. Trong bối cảnh khó khăn chung thì kết quả này khẳng định tính hiệu quả trong các chính sách kích cầu tiêu dùng, nỗ lực triển khai nhiều hoạt động lễ hội, mua sắm của Thành phố, qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng cuối năm của người dân.

Theo bà Lý Kim Chi, năm 2024, việc Chính phủ tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ, tiêu dùng trong nước; lấy nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp làm trụ đỡ, thúc đẩy chế biến sâu…; đặc biệt, những nỗ lực nhằm giữ được đà tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo tiền đề cho các ngành phát triển ổn định.

Và cùng với Nghị quyết 98 đang được triển khai trong thực tiễn sẽ là những động lực quan trọng thúc đẩy, đưa ngành lương thực - thực phẩm của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung tăng tốc trong thời gian tới.

TPHCM đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất xanh- Ảnh 2.

Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa - Ảnh: VGP/Anh Lê

Sản xuất xanh là hướng phát triển bền vững

Với vai trò là "cầu nối" giữa các DN với các sở, ngành Thành phố, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cho biết, năm 2024, HUBA sẽ tiếp cận và kết nối DN nhiều hơn nữa; xây dựng các hoạt động, chương trình gắn với chính sách vĩ mô, đi theo hướng: Cụ thể, chi tiết và kết nối.

Về định hướng hỗ trợ phát triển DN trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Hòa, cho rằng DN xanh, sản xuất xanh, phát triển bền vững là xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu và đây cũng là hướng đi của kinh tế TPHCM trong thời gian tới.

Theo ông Hòa, hoạt động chuyển đổi xanh được các DN thành phố nói riêng, DN cả nước nói chung nhận thức khá đầy đủ và đó là đòi hỏi của khách hàng, của thị trường. Hơn nữa, chuyển đổi xanh hiện được các nước sử dụng như một "hàng rào", đưa ra trong điều kiện nhu cầu thị trường giảm, do đó các DN phải chuyển đổi theo hướng xanh.

Để hỗ trợ và khuyến khích DN Thành phố chuyển đổi xanh, HUBA đã tổ chức trao giải thưởng DN xanh, sau chương trình này, HUBA đang tổ chức chương trình kết nối với các nhà phân phối để làm tăng sự nhận diện của người tiêu dùng, sự ủng hộ của người tiêu dùng; tăng sự kết nối giữa các DN xanh trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng.

Trước mắt HUBA đã kết nối các DN sản xuất xanh với các hệ thống phân phối chủ lực của TPHCM, như: Satra, Saigon Co.op và nhà phân phối 100% vốn nước ngoài là MM Mega Market. Các nhà phân phối với thị phần lớn, mạng lưới bán hàng rộng khắp cả nước sẽ giúp DN xanh, sản phẩm xanh tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất. Các nhà phân phối đã thống nhất sẽ hỗ trợ tối đa cho các DN xanh tiếp cận với người tiêu dùng.

Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa nhấn mạnh, để hỗ trợ DN xanh cần có cơ chế chính sách. Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội cho phép khởi động lại chương trình kích cầu và nghị quyết 09 của HĐND Thành phố về chương trình kích cầu đã đưa dự án chuyển đổi xanh của các DN vào các chương trình kích cầu; những DN đầu tư, đổi mới công nghệ, đầu tư chuyển đổi số cũng sẽ được hỗ trợ lãi suất từ Thành phố.

TPHCM đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất xanh- Ảnh 3.

Ông Trần Phú Lữ - Ảnh: VGP/Anh Lê

Xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2021-2025) của TPHCM.

Trong năm 2024, để hỗ trợ và đồng hành cùng DN Thành phố, ITPC sẽ thực hiện đổi mới phương thức và đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó, chú trọng thực hiện kết nối giao thương trực tiếp giữa DN trong nước với nhau, giữa DN trong nước với DN nước ngoài (nhà phân phối, nhà nhập khẩu), giữa DN trong nước với DN FDI; hoạt động xúc tiến đầu tư chú trọng nghiên cứu các nhà đầu tư lớn, tập đoàn dẫn đầu trong ngành, lĩnh vực tại các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số TPHCM, bao gồm sàn giao dịch thương mại điện tử B2B, không gian triển lãm trực tuyến và cơ sở dữ liệu dùng chung cho hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.

ITPC cũng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, cung cấp thông tin thị trường theo hướng chuyên sâu vào từng nhóm ngành hàng - sản phẩm gắn với từng thị trường cụ thể, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tập trung hỗ trợ DN phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu; thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm thân thiện môi trường; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm sản xuất xanh, tuần hoàn. Lựa chọn tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế các sản phẩm chuyên ngành lớn được tổ chức ở nước ngoài.

Về thị trường xuất khẩu, ITPC sẽ định hướng và hỗ trợ các DN xuất khẩu củng cố vững chắc và từng bước mở rộng thị phần hàng hóa xuất khẩu của Thành phố tại các thị trường truyền thống bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Đông Nam Á, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc). Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo bước đột phá thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng như: Ấn Độ, Canada, Mỹ Latin và châu Phi; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Halal sang các thị trường Hồi giáo.

Ngành ngân hàng tiếp tục ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, năm 2023, số lượng hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đạt 34 hội nghị, tổng số tiền cho vay ưu đãi đạt 633.000 tỷ đồng cho 176.891 khách hàng, tăng 11% so với năm 2022. Đây là số tiền giải ngân cao nhất của chương trình trong 10 năm qua.

Năm 2024, TPHCM quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội. Trong vai trò là trung gian thanh toán cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng tại TPHCM sẽ chung tay, sát cánh cùng Thành phố triển khai thực hiện tốt hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn, gắn với chuyển đổi số ngành ngân hàng để mang lại tiện ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động giao dịch với chính quyền cũng như trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, năm 2024, NHNN chi nhánh Thành phố tiếp tục phối hợp tốt với sở, ngành, quận huyện tổ chức triển khai kế hoạch kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn. Các Ngân hàng sẽ tiếp tục dành các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ các DN sản xuất thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, các DN chuyển đổi xanh, chuyển đổi số theo định hướng phát triển của TPHCM.

Lê Anh

Top