TPHCM ghi nhận 75 ổ dịch sốt xuất huyết mới

03/11/2022 10:10 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 2/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) công bố số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tuần thứ 44 năm 2022 (từ ngày 24 - 30/10), đồng thời khuyến cáo người dân không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết ngay cả khi đã hết sốt.

TPHCM ghi nhận 75 ổ dịch sốt xuất huyết mới - Ảnh 1.

HCDC tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Sốt xuất huyết: Hết sốt chớ vội chủ quan" vào thứ Bảy, 5/11

Cụ thể, HCDC cho biết trong tuần thứ 44 (từ ngày 24 - 30/10/2022), toàn Thành phố ghi nhận 1.628 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 27,% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó số ca nội trú giảm gần 34%  và ngoại trú giảm 21%.

Trong tuần 44, toàn Thành phố ghi nhận 75 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 44 phường, xã thuộc 12/22 quận, huyện và TP. Thủ Đức, giảm 23 ổ dịch mới so với tuần thứ 43; không ghi nhận trường hợp tử vong do SXH.

Như vậy tính đến tuần thứ 44, TPHCM ghi nhận 70.370 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca SXH nặng là 1.600 trường hợp. Tỉ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc tính đến tuần 44 là 2,3% tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Theo HCDC, hiện nay, khoảng 75% số trường hợp tử vong do SXH là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện chậm trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.

Bệnh SXH có biểu hiện khá đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn nguy hiểm, thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - thứ 7 sau khi phát bệnh. Lúc này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Tuy nhiên nhiệt độ giảm không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục, ngược lại cần phải đặc biệt theo dõi biểu hiện của SXH để phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng.

Ngành y tế khuyến cáo: Khi có dấu hiệu sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục, người dân cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.

Trong quá trình điều trị bệnh SXH tại nhà, người chăm sóc/bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện.

Đối với bệnh SXH khi hạ sốt thì càng cần phải theo dõi sát sao dấu hiệu chuyển nặng.

Liên quan đến bệnh SXH, ngày 5/11, HCDC tổ chức tọa đàm trực tuyến "Sốt xuất huyết: Hết sốt chớ vội chủ quan" phát sóng trực tuyến trên kênh Fanpage và Youtube HCDC.

Với sự tham gia của những chuyên gia đầu ngành, chương trình cung cấp cho người xem những thông tin hữu ích về chăm sóc, điều trị SXH./.

Top