TPHCM: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi kép, nâng cao năng lực cạnh tranh
(Chinhphu.vn) - Việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là “Chuyển đổi kép”, không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Ngày 28/6, tại TPHCM diễn ra hội thảo "Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thông qua chuyển đổi kép", nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong việc định hướng chiến lược sản xuất và xuất khẩu.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) nhấn mạnh, hiện nay chuyển đổi kép đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng DN Việt Nam. Đó là việc thiết lập cơ sở dữ liệu, phân tích, sử dụng dữ liệu, bảo mật, an toàn cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hỗ trợ chuyển đổi và quan trọng hơn là tính phù hợp của giải pháp với từng loại hình DN.
Việc áp dụng chuyển đổi không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới bảo vệ môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất-kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Song song đó, đối với nền kinh tế vĩ mô, việc áp dung chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút FDI; tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng.
Ở góc độ DN trong lĩnh vực sản xuất cơ khí máy móc và thiết bị, ông Trần Hoài Nam, Phó chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TPHCM (Hamee), nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh sẽ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, một số DN ngành cơ khí- điện của TPHCM nhận được sự hỗ trợ từ chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố đã mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, thực hiện chuyển đổi số trong quản trị DN, nhờ đó nhiều sản phẩm đã có thể tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo thống kê, tại TPHCM, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024 của nhóm ngành máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác ước đạt 912 triệu USD tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2023, nhóm ngành máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện ước đạt 5,4 tỷ USD tăng 113% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 30% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, do đó dư địa cho ngành cơ khí- điện còn rất lớn nếu như các DN trong ngành biết tận dụng cơ hội, đẩy mạnh chuyển đổi kép.
Với vai trò là trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam, ông Trần Phú Lữ cho biết, thời gian qua, TPHCM định hướng tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Mục tiêu đến năm 2030, Thành phố sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ và có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Với mục tiêu trên, TPHCM luôn coi trọng và dành nhiều sự đầu tư cho các giải pháp chuyển đổi kép toàn diện ở các lĩnh vực. Trong nhiều năm qua, Thành phố đã có nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi.
Theo đó, TPHCM nỗ lực không ngừng để tạo ra môi trường kinh doanh và hạ tầng số hóa thúc đẩy sự phát triển và đổi mới sáng tạo. Đó là việc phát triển các chính sách và chiến lược đổi mới, khuyến khích sự đầu tư trong công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp...Thành phố đẩy mạnh xây dựng các báo cáo chuyên ngành và báo cáo thường niên về chuyển đổi số để kịp thời cập nhật các kiến thức, các xu thế mới về chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Anh Lê