TPHCM không thiếu hụt xăng dầu
(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, khẳng định điều này tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố chiều 17/2.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, không có tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại Thành phố. Sự thiếu hụt này chỉ là biểu hiện cục bộ mà cụ thể là từ thời điểm điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ ngày 11/2 đến nay, tại Thành phố có 3 cửa hàng tạm ngưng hoạt động. Trong đó, một cửa hàng đang làm thủ tục để được cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, một cửa hàng đang sửa chữa hệ thống phòng cháy chữa cháy, còn một cửa hàng đóng cửa là do việc riêng của chủ cửa hàng.
Từ thời điểm 12/2 đến nay, có 5 cửa hàng có tình trạng thiếu một số mặt hàng xăng, dầu (2 cửa hàng ở Củ Chi và 3 cửa hàng ở Hóc Môn). "Chúng ta thấy rằng, với 5/548 cửa hàng xăng dầu trên toàn Thành phố thì tỉ lệ này thì chưa đến 1%. Vừa qua, Petrolimex - một đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn của Thành phố với 71 cửa hàng và 43 đại lý, chiếm 1/5 số cửa hàng bán lẻ ở Thành phố, đã tăng giờ bán hàng. Trong đó, có 27 cửa hàng phục vụ 24/24h, còn lại là phục vụ từ 6h-24h. Tính bình quân thì mỗi cửa hàng tăng 4 giờ bán hàng, như vậy không hề có chuyện thiếu xăng dầu", ông Phương cho biết.
Về dự trữ xăng dầu, theo ông Phương, qua báo cáo của 8/15 doanh nghiệp đầu mối thì lượng dự trữ cũ cùng với lượng nhập khẩu về hiện nay là 465.000 m3, trong đó có 245.000 m3 xăng và 220.000 m3 dầu. Tám doanh nghiệp đầu mối này đều là doanh nghiệp lớn, giữ thị phần hơn 70%, như vậy, so với mức tiêu thụ của Thành phố hằng tháng là 216.000 m3 thì rõ ràng lượng dự trữ này đủ dùng cho hơn một tháng.
Sửa quy định cách ly đối với học sinh lớp 1 là F1
Tại họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Thành phố thông tin, về tỉ lệ trẻ đến trường từ đầu tuần (14/2) thì khối mầm non đạt 66,33%; khối tiểu học đạt 95,99%; khối THCS đạt 96,89% và khối THPT đạt 98,93%.
Ngày 14/2, toàn ngành ghi nhận 27 ca F0; ngày 15/2 ghi nhận 50 F0; ngày 16/2 là 86 F0. Dự báo, hôm nay (17/2), số ca F0 sẽ có điều chỉnh tăng nhẹ.
Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh học sinh tiểu học về việc đưa đón con em khi nhà trường chưa tổ chức lại bán trú, ông Trịnh Duy Trọng khẳng định, ngay từ khi Thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp trở lại thì Sở Y tế và Sở GD&ĐT đã thống nhất là không cấm hoạt động này mà còn khuyến khích các đơn vị nỗ lực thực hiện để phục vụ tốt nhất cho việc học tập trực tiếp cho các em học sinh cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đưa đón của phụ huynh học sinh.
"Thực tế thì hai sở cũng đã phối hợp triển khai rất nhiều hướng dẫn và có buổi tập huấn chuyên sâu về việc tổ chức canteen, tổ chức bán trú như thế nào để bảo đảm an toàn cho các em học sinh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì có những cơ sở giáo dục chưa thể thực hiện ngay các hoạt động này do điều kiện về cơ sở vật chất, quy mô học sinh... Hiện một số cơ sở giáo dục đang trong giai đoạn chuẩn bị kỹ lưỡng để trong thời gian sớm nhất có thể mở trở lại các hoạt động này", ông Trọng cho biết.
Về vấn đề học sinh lớp 1 phải cách ly 14 ngày khi trong lớp có ca F0, theo Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT Thành phố, hiện nay, việc cách ly đối với học sinh lớp 1 đang được thực hiện theo Văn bản số 9038 của Sở Y tế, theo đó học sinh lớp 1 bị xác định là F1, chưa được tiêm vaccine thì các em phải nghỉ ở nhà 14 ngày, theo dõi sức khỏe và tiến hành xét nghiệm nhanh.
"Tuy nhiên, trong cuộc họp sáng nay của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã thông tin là sẽ sớm thống nhất ban hành văn bản mới về việc xác định F0, F1 cũng như quy định cách ly F1 để thống nhất trong hệ thống giáo dục, trên tinh thần làm sao đảm bảo việc học tập của học sinh được liên tục và ít bị xáo trộn nhất khi lớp có F0. Sở GD&ĐT Thành phố cũng sẽ ban hành văn bản để thay thế Văn bản 9038 hiện nay", ông Trọng khẳng định.
Anh Thơ