TPHCM kiến nghị mở rộng xét nghiệm khẳng định HIV

12/11/2015 3:30 PM

(Chinhphu.vn) - Đó là thông tin được phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận đưa ra tại Hội Nghị Tổng kết 5 năm (2011 - 2015) hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn TPHCM ngày 11/11.

Tư vấn, xét nghiệm HIV - Ảnh minh họa

Theo ông Hứa Ngọc Thuận, dịch HIV tại TP.HCM tuy đã được khống chế, nhưng vẫn còn ở mức cao trong các nhóm đối tượng tiêm chích ma túy, mại dâm. Tệ nạn sử dụng ma túy vẫn còn phức tạp, tệ nạn mại dâm có xu hướng phát triển và biến tướng.

Do đó, ông Thuận kiến nghị, Bộ Y tế cần có chính sách xem xét việc xét nghiệm HIV như xét nghiệm thường quy để đẩy mạnh việc xét nghiệm HIV tại các bệnh viện; tạo điều kiện để thực hiện mở rộng xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Thuận cũng mong muốn, Bộ Y tế  có chủ trương đảm bảo nguồn thuốc ARV để người dân có thể tiếp cận sau khi có kết quả HIV dương tính (thị trường thuốc cho người tự mua, chủng loại thuốc…). Đồng thời, đẩy nhanh việc hỗ trợ điều trị ARV qua bảo hiểm y tế để các bệnh viện có thể thực hiện điều trị.

Theo Trung tâm phòng, chống HIV/ AIDS TP.HCM, tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 12/1990 đến hết tháng 6/2015, TP.HCM phát hiện 40.956 trường hợp nhiễm HIV được quản lý, 10.887 trường hợp tử vong và 17.451 trường hợp đang được điều trị. Ước tính đến hết năm 2015 có khoảng 41.841 trường hợp nhiễm HIV được quản lý, có 11.067 trường hợp tử vong do HIV/AIDS.

Trong chương trình can thiệp giảm tác hại cho các nhóm nguy cơ cao, TP đã thực hiện đạt 7/7 chỉ tiêu đề ra gồm: tỷ lệ phụ nữ mại dâm luôn sử dụng bao cao su với khách hàng dao động từ 80% - 90% (chỉ tiêu năm 2015 là 70%); tỷ lệ nhóm tiêm chích ma túy sử dụng bơm kim tiêm sạch là 90% (chỉ tiêu là 90%); tỷ lệ các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao sử dụng dịch vụ tham vấn xét nghiệm HIV đều đạt chỉ tiêu.

Đặc biệt, đề án “Thực hiện mở rộng và xã hội hóa chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2014 - 2015”  đã triển khai được 14 cơ sở điều trị cho 3.055 bệnh nhân đang tham gia điều trị bằng Methadone. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, thành phố sẽ đưa vào vận hành thêm 6 cơ sở điều trị Methadone mới, nâng tổng số cơ sở điều trị Methadone lên 20 cơ sở trên địa bàn.

Như vậy, sau 5 năm thực hiện phòng, chống HIV/ AIDS, thành phố đã khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,6% (mục tiêu dưới 1%) và khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV mới trong cộng đồng dân cư ở mức 0,03% (mục tiêu dưới 0,08%).

PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã đánh giá cao những kết quả đạt được của TP.HCM trong việc quản lý số người nhiễm HIV lớn nhất so với các tỉnh thành trên toàn quốc. Thành phố cũng đã cung cấp dịch vụ toàn diện từ dự phòng lây nhiễm đến chăm sóc, điều trị, với mạng lưới cung cấp dịch vụ đến tận tuyến xã, phường. Từ đó, đã khống chế khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,6%.

Bên cạnh đó, thành phố đã nhạy bén, kịp thời trong xác định chiến lược can thiệp và xây dựng mô hình cụ thể trong từng giai đoạn, nhất là từng bước lồng ghép, gắn trách nhiệm của ngành y tế đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, luôn đi đầu thực hiện các mô hình mới, các hoạt động thí điểm để từ đó các địa phương khác học tập, làm theo.

TP.HCM cũng đã hết sức chủ động bù đắp phần kinh phí thiếu hụt từ chương trình mục tiêu và các viện trợ bị cắt giảm. Tính chủ động về nguồn lực còn thể hiện ở việc thành phố đã phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính trong giai đoạn tiếp theo. PGS.TS Bùi Đức Dương mong rằng, trong giai đoạn tới TP.HCM tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống AIDS theo định hướng Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trong đó tập trung cung cấp các dịch vụ dự phòng, can thiệp, điều trị nhằm hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, TP.HCM tiếp tục phát huy sáng tạo, tìm ra những cách làm hay, hiệu quả để giữ vững những thành quả đã đạt được.

Thanh Tâm

Top