TPHCM là đầu mối giao thương hàng hóa quan trọng cho nông sản Việt vươn xa

26/05/2023 4:16 PM

(Chinhphu.vn) - Tăng cường kết nối hai chiều giữa vùng nguyên liệu và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu với TPHCM – “cực nam châm” tăng trưởng sẽ là tiền đề quan trọng để nông sản Việt vươn xa.

TPHCM là đầu mối giao thương hàng hóa quan trọng cho nông sản Việt vươn xa - Ảnh 1.

Một gian hàng nông sản Việt tham gia Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TPHCM năm 2023 - Ảnh: VGP/Lê Anh

Ngày 26/5, trong khuôn khổ Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TPHCM năm 2023 đã diễn ra hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề "Nông sản Việt Nam vươn xa".

TPHCM với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước và cũng là hạt nhân của khu vực Đông Tây Nam Bộ - vùng nuôi trồng nông nghiệp lớn nhất cả nước. Hiện nay, hầu hết nông sản, thủy sản của khu vực phía nam được DN Thành phố tập kết và xuất khẩu thông qua các cảng tại TPHCM. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố đạt 47,6 tỷ USD; riêng nhóm hàng nông-lâm-thủy sản đạt 5,5 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm trước; chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước.

Bên cạnh đó, TPHCM có lợi thế để phát triển thị trường hàng hóa, có hệ thống phân phối hiện đại, đa dạng như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống… là đầu mối giao thương hàng hóa nội địa và quốc tế.

Theo các chuyên gia, việc kết nối hai chiều giữa vùng nguyên liệu và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu với TPHCM – "cực nam châm" tăng trưởng sẽ là tiền đề quan trọng để nông sản Việt vươn xa. Muốn kết nối này thông suốt và nhanh chóng thì cần có cơ chế đột phá, đi đầu, sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sự góp sức từ nhiều ngành.

Hơn 2 năm qua, có thể xem chương trình kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư của TPHCM với các tỉnh, thành phố có vùng nguyên liệu là đột phá đi đầu của TPHCM để tạo lợi ích hai chiều. Chuỗi cung ứng mạnh giúp TPHCM tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp chủ động và bền vững.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, hàng hóa xuất khẩu nói chung và nông sản của Việt Nam nói riêng có rất nhiều lợi thế khi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs) với hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, việc tận dụng các lợi thế do các FTA mang lại còn hạn chế. Để nâng cao hiệu quả thì một trong những giải pháp quan trọng là các DN xuất khẩu nên tăng cường kết nối, hợp tác với các đối tác xuất khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu về mặt kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu.

Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, tại Thành phố hiện có hàng chục nghìn DN đầu tư nước ngoài, hàng nghìn văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài và nhiều cơ quan thương vụ nước ngoài đóng trên địa bàn. Do đó, Thành phố có thế mạnh là nơi hội tụ, kết nối các chuỗi cung ứng xuất khẩu.

Bên cạnh việc tăng cường liên kết hợp tác thì theo các chuyên gia, các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng cần hướng tới đẩy mạnh kinh doanh, kết nối trên môi trường số, "chợ online"… giúp giảm các chi phí phát sinh cũng như nhanh chóng tiếp cận được với khách hàng hơn.

Dẫn các thông tin về việc xuất khẩu qua "chợ online", TS. Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và công nghệ - Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) khẳng định, kinh doanh trực tuyến không chỉ là nhỏ lẻ, mà là "nền kinh tế mới nằm online". Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều DN xuất khẩu triệu USD qua chợ online. Không phải kinh doanh trực tuyến chỉ áp dụng đối với DN nhỏ lẻ mà DN lớn và hiệp hội cũng có thể tận dụng kênh bán hàng này.

Ông Tước cho biết tới đây AmCham sẽ cùng Sở Công Thương TPHCM đào tạo, tập huấn cụ thể về thương mại điện tử, "nắm tay" doanh nghiệp đi từng bước để sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế.

Lê Anh

Top