TPHCM: Mỗi năm tăng gần 10.000 trẻ mầm non

22/09/2024 9:05 AM

(Chinhphu.vn) - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, mỗi năm, bình quân trẻ mầm non trên địa bàn Thành phố tăng khoảng gần 10.000 trẻ.

TPHCM: Mỗi năm tăng gần 10.000 trẻ mầm non- Ảnh 1.

Lễ khai giảng năm học 2024 – 2025 của Trường Mầm non Thanh Bình tại Khu Chế xuất Linh Trung, TPHCM - Ảnh: VGP/Nguyễn Trần

Chưa đáp ứng nhu cầu của công nhân các khu công nghiệp

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, đến cuối năm học 2023-2024, toàn thành phố có 3.469 cơ sở giáo dục mầm non. Bao gồm 1.248 trường (công lập là 474, tỷ lệ 37,98%; ngoài công lập là 774, tỷ lệ 62,02%); 1.955 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập (tối đa 70 trẻ/cơ sở) và 226 nhóm trẻ 7 trẻ.

Tổng số trẻ lên đến 340.746 trẻ (công lập là 154.940 trẻ và ngoài công lập là 185.806 trẻ).

Các khu chế xuất, khu công nghiệp của TPHCM tập trung chủ yếu tại 9 địa phương, gồm TP.Thủ Đức, quận 7, 12, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân và huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè. Tổng số trường mầm non trong khu vực này là 771 trường, trong đó công lập là 241 trường tỷ lệ 31,25%, ngoài công lập là 530 trường tỷ lệ 68,75%. Số cơ sở giáo dục mầm non độc lập là 1.590 nhóm, lớp, chiếm tỷ lệ 86,27%.

Số trẻ đang học ở 9 địa phương này là 209.222 trẻ, chiếm tỷ lệ 64,86% (công lập là 69.093 trẻ; ngoài công lập là 140.129 trẻ). Số giáo viên là 17.747, tỷ lệ 40,9% (công lập là 5.575 giáo viên; ngoài công lập là 12.172 giáo viên). Số cán bộ quản lý là 1.171 người.

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho hay, mỗi năm bình quân trẻ mầm non trên địa bàn Thành phố tăng khoảng gần 10.000 trẻ. Do đó, dù mạng lưới trường lớp ở bậc học mầm non được phủ khắp các phường, xã của TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện song một số địa phương tập trung nhiều lao động, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở giáo dục mầm non công lập chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Nguyên nhân bởi người lao động thường xuyên phải đi làm tăng ca, thời gian trông giữ trẻ của các cơ sở giáo dục mầm non công lập thường không khớp với thời gian làm việc, lệch múi giờ đón con. Do đó, trên 60% trẻ học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm lớp độc lập, tư thục.

Kiến nghị chính sách phát triển giáo dục mầm non

Chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp theo Nghị định số 105 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non đã được triển khai đến các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, số lượng trẻ, giáo viên và các cơ sở giáo dục mầm non độc lập nhận hỗ trợ chưa nhiều do các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn Thành phố đông, số trẻ em là con công nhân trong khu công nghiệp được gửi tại các cơ sở giáo dục mầm non chưa mang tính tập trung nên hầu hết chưa đảm bảo tiêu chuẩn 30% số trẻ là con công nhân…

Từ thực tế trên, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố kiến nghị sửa đổi Nghị định 105 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non theo hướng giảm tỷ lệ từ 30% xuống còn 20% trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hưởng chính sách tại cơ sở giáo dục mầm non, hỗ trợ giáo viên mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục.

Đối với tuyển dụng giáo viên, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tuyển dụng viên chức linh động bằng nhiều hình thức, như thi tuyển, xét tuyển hoặc tiếp nhận vào làm viên chức và tuyển dụng nhiều đợt trong năm cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu; đẩy mạnh phân cấp tổ chức tuyển dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập,…

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Thành phố xem xét chỉ đạo thống nhất về thời gian chuyển công tác đối với viên chức và thời gian tổ chức tuyển dụng viên chức đợt 1 trên địa bàn Thành phố, tiếp nhận giáo viên mầm non chuyển công tác vào TPHCM theo nhu cầu của đơn vị.

Đồng thời, tham mưu, đề xuất giải pháp tạo điều kiện để nhà đầu tư sử dụng đất không nằm trong quy hoạch giáo dục xây dựng trường tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội hóa giáo dục, thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và giảm áp lực sĩ số lên hệ thống trường công lập của thành phố.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, hiện thu nhập bình quân của mỗi giáo viên mầm non công lập trên địa bàn Thành phố đạt gần 10.986.000 đồng. Trong đó cao nhất là 16.869.000 đồng và thấp nhất là 5.103.000 đồng.

Mức thu nhập trên, bao gồm mức lương cơ sở và các mức hỗ trợ của thành phố qua các đề án, chính sách đặc thù.

Riêng với cán bộ quản lý công lập, thu nhập bình quân là 13.870.500 đồng, cao nhất là 17.059.000 đồng, thấp nhất là 10.682.000 đồng.

Nguyễn Trần

Top