TPHCM nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chợ đầu mối
(Chinhphu.vn) - UBND TPHCM vừa có văn bản khẩn chỉ đạo triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chợ đầu mối tại Thành phố thích ứng bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức. |
Theo đó, UBND TPHCM giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND TP. Thủ Đức và UBND Quận 8 và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, các đơn vị quản lý chợ đầu mối và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá nhu cầu phát triển hệ thống chợ đầu mối tại TPHCM trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh nội quy hoạt động chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn đáp ứng yêu cầu kiểm soát dịch bệnh và khuyến khích quá trình chuyển đổi số trong công tác khai thác, quản lý, vận hành chợ đầu mối. Trong đó, lưu ý các giải pháp thực hiện nhằm tạo cơ sở nền tảng cho công tác triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chợ đầu mối trong thời gian tới. Cụ thể như: Gia tăng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường quản lý theo thời gian thực về số lượng, mật độ và yếu tố dịch tễ của tất cả người ra vào chợ; thiết lập phương án tổ chức và giám sát thực hiện nguyên tắc lưu thông một chiều trong chợ đối với phương tiện và người. Nghiên cứu cách thức thiết lập khung giờ hoạt động tối ưu tại chợ; tiếp tục thực hiện sơ chế hàng hóa tại nguồn; từng bước chuẩn hóa quy cách bao bì, đóng gói…
Mặt khác, xây dựng kế hoạch triển khai công tác sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Trong đó, trước mắt ưu tiên triển khai các hạng mục bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19 như nhà vệ sinh, bồn rửa tay tự động,... với số lượng đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng và yêu cầu phòng, chống dịch; bố trí các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch tại chợ.
Cùng với đó, tham mưu UBND TPHCM làm việc với các địa phương liên quan (nhất là một số tỉnh, thành có vùng nguyên liệu lớn) để thống nhất trong nhận thức, hành động và cùng triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy việc thực hiện sơ chế hàng hóa tại nguồn. Trên cơ sở sau khi thực hiện thí điểm, đánh giá để đề xuất cấp có thẩm quyền đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách chung về thực hiện sơ chế hàng hóa tại nguồn trên cả nước.
UBND TPHCM cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, UBND TP. Thủ Đức và UBND Quận 8 và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai thiết lập hệ thống camera giám sát và thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác kiểm soát lưu thông, kiểm soát người vào, ra chợ đầu mối để xác định theo thời gian thực chính xác số người và mật độ người đang hiện diện trong chợ và từng khu vực trong chợ. Nghiên cứu tiến đến tích hợp dữ liệu hệ thống camera giám sát của Trung tâm điều hành đô thị thông minh TPHCM.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố định hướng các biện pháp quản lý hàng hóa nhập chợ đầu mối, quy cách đóng gói hàng hóa nông sản để bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm tỉ lệ hao hụt sản phẩm, giảm rác thải sơ chế tại chợ đầu mối, tiến đến xây dựng quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật đối với các mặt hàng nông sản nhập vào Thành phố.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc.
Theo hcmcpv.org.vn