TPHCM phát hiện 1.710 sim thuê bao điện thoại vi phạm, xử phạt 610 triệu đồng

22/11/2023 3:15 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 22/11, Sở TT&TT TPHCM cho biết đã có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, UBND TPHCM về việc giải quyết kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

TPHCM phát hiện 1.710 sim thuê bao điện thoại vi phạm, xử phạt 610 triệu đồng- Ảnh 1.

Tình trạng cuộc gọi rác, lừa đảo… gây nhức nhối trong xã hội thời gian qua - Ảnh minh họa

Theo đó, đối với kiến nghị của cử tri về việc cơ quan chức năng của Thành phố có biện pháp triệt để hơn để giải quyết tình trạng sử dụng sim rác vì mục đích lừa đảo, quảng cáo không đúng sự thật... gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, Sở TT&TT cho biết, về đẩy mạnh quản lý, xác thực thông tin thuê bao của các doanh nghiệp di động, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nghiêm các quy định về người dùng xác thực thông tin cá nhân khi đăng ký, sử dụng sim nhằm ngăn chặn hoạt động lừa đảo, quấy rối. Sở TT&TT đã triển khai đầy đủ đến doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn TPHCM.

Năm 2023, Sở TT&TT đã tiến hành thanh tra đồng loạt việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động quản lý, đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao di động của 5 chi nhánh doanh nghiệp viễn thông di động trên địa bàn là MobiFone, Viettel, Vinaphone, Vietnamobile và Gmobile. Kết quả, phát hiện 1.710 sim vi phạm. Sở TT&TT đã yêu cầu ngừng hoạt động và xử phạt các đơn vị vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 610 triệu đồng.

Về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, hằng năm, Sở TT&TT đều có các kế hoạch phối hợp với quận, huyện tuyên truyền đến người dân các quy định pháp luật liên quan đến việc mua bán sim và đăng ký thông tin thuê bao di động; tổ chức đăng tin tuyên truyền hướng dẫn các phương thức phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo thông qua Tổng đài 156 hoặc website https://thongbaorac.ais.gov.vn.

Về công tác đề xuất xây dựng quy định về quản lý sim thuê bao, Sở TT&TT đã có đề xuất với Bộ TT&TT áp dụng biện pháp kinh tế như sau: Cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng từ thuê bao thứ tư trở lên (đối với đối tượng sử dụng là người dùng) thì phải trả thêm phí quản lý thuê bao vượt mức. Đồng thời, kiến nghị TT&TT thông cho phép chia sẻ dữ liệu thông tin thuê bao từ các doanh nghiệp di động cho các tỉnh, thành cùng quản lý, khai thác.

Đề xuất nhiều quy định nhằm ngăn chặn vấn nạn lừa đảo trực tuyến

Bộ TT&TT cho biết, cơ quan này đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP.

Trong đó, Bộ TT&TT đã đề xuất bổ sung thêm nhiều quy định để quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet, nhằm loại bỏ tính ẩn danh trên mạng và vấn nạn lừa đảo trực tuyến như: Yêu cầu các mạng xã hội trong và ngoài nước phải thực hiện xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của Bộ TT&TT; các mạng xã hội phải công khai mô tả quy trình, phương thức phân phối nội dung trên nền tảng của mình và phải có bộ phận tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người dùng; bổ sung quy định về quản lý livestream và quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý không gian mạng… Dự thảo Nghị định dự kiến trình Chính phủ vào quý IV/2023.

Hồng Đức

Top