TPHCM phát hiện 84.445 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 1.161,9 tỷ đồng
(HCM Cityweb) - Sáng 29/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2015. Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu TP có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng, Trưởng BCĐ 389 TP cùng các lãnh đạo sở - ngành TP.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2014, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn ra phức tạp trên các tuyến, địa bàn cả nước. Trong năm, các ngành, địa phương đã phát hiện, xử lý 206.642 vụ vi phạm (tăng 12,11% so với năm 2013). Thu giữ hàng hóa phát mại, xử phạt vi phạm hành chính trên 13.042 tỷ đồng (tăng 27,1% so với năm 2013). Trong số các vụ việc trên, đã khởi tố hình sự 2.081 vụ, 2.275 đối tượng. Trong đó, lực lượng thuế tổ chức thanh tra, kiểm tra trên 67.000 doanh nghiệp, thu nộp ngân sách gần 11.000 tỷ đồng; ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ, xử lý trên 22.000 vụ; Lực lượng Cảnh sát kinh tế xử lý gần 9.000 vụ; Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển cũng phát hiện, bắt giữ trên 9.000 vụ việc.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại điểm cầu TPHCM
Báo cáo của các địa phương cho thấy công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại rất khó khăn, phức tạp khi các đối tượng buôn lậu liên tục thay đổi phương thức, địa bàn hoạt động, tổ chức vận chuyển qua các vùng xa xôi, hẻo lánh trước đây không phải là địa bàn trọng điểm, đặc biệt là các tuyến biên giới như: Buôn lậu thuốc lá đang diễn ra nghiêm trọng tại biên giới Tây Nam; buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tại các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ. Trên vùng biển Đông Bắc và Miền Trung nổi lên là hoạt động nhập lậu rượu ngoại, thuốc lá điếu, xăng dầu và xuất lậu than, quặng các loại.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho biết do đặc thù TP là trung tâm kinh tế, xã hội nên có nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... rất phức tạp. Phần lớn buôn lậu, gian lận thương mại là hàng hóa tiêu dùng, thiết bị, phụ tùng các loại xuất xứ từ Trung Quốc. Các mặt hàng nhập lậu vào TP bằng nhiều nguồn như gian lận hải quan, buôn lậu qua biên giới vận chuyển từ đất liền như Lào.
Năm 2014, các lực lượng chức năng, địa phương trên địa bàn TP đã phát hiện 84.445 vụ và xử lý 80.994 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 1.161,9 tỷ đồng.
TP đề nghị Chính phủ cho phép các lực lượng chức năng được trích lại một phần khoản thu từ xử lý vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thu nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị…
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuả cả nước. Phó Thủ tướng cho rằng diễn biến thị trường hiện nay hết sức phức tạp, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Hàng năm, tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế làm thất thu ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Điều này đã làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng hiện nay Chính quyền tại một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong năm 2015, các địa phương, các cấp, ngành cần kiên quyết tuyên chiến với buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đi liền với chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh vận động toàn dân cùng vào cuộc tham gia tố giác đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên tổ chức các hội nghị sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra các biện pháp đấu tranh…
Hà Trang