TPHCM sẽ có cán bộ chuyên trách ATVSTP cấp phường, xã

15/12/2016 6:01 PM

(Chinhphu.vn) – Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu, cán bộ chuyên trách về ATVSTP ở xã, phường là những người gần nhất với dân, nắm rõ địa bàn nên có thể thường xuyên kiểm tra và xử lý triệt để.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Phan Hoàng

Ngày 15/12, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong giai đoạn 2011 - 2016.

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong suốt thời gian qua, công tác kiểm soát ATVSTP luôn được các sở ngành TP chú trọng triển khai.

Từ năm 2011, TPHCM đã tập trung phối hợp với các tỉnh, địa phương khác về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn; xây dựng 178 mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã nông thôn mới, với tổng diện tích 741,3ha; đồng thời xây dựng hơn 400 điểm kinh doanh nông sản sạch.

Đáng chú ý là TP đã xây dựng Đề án quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo trực tuyến. Sắp tới (từ ngày 16/12), người tiêu dùng tại TPHCM có thể kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt heo qua điện thoại tại 346 điểm bán thuộc các kênh phân phối hiện đại (gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm).

Nhận định thời gian qua việc đảm bảo ATVSTP trên địa bàn đạt nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên UBND TPHCM cũng cho rằng công tác đảm bảo ATVSTP của TP còn nhiều khó khăn, tồn tại. Trong đó, TP chưa có cơ quan nghiên cứu độc lập nên chưa thể cảnh báo và kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.

Bên cạnh đó, kinh phí cho hoạt động quản lý ATVSTP còn rất thấp. Việc quản lý thức ăn đường phố còn bất cập, trong khi Nhà nước thiếu các quy chuẩn đối với các loại thực phẩm thông dụng, như: nước mắm, nước tương, cà phê… gây khó khăn cho công tác quản lý.

Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho biết, TPHCM sẽ sớm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách ATVSTP ở xã, phường để nâng cao hiệu quả kiểm soát thực phẩm tại địa bàn dân cư.

"Cán bộ chuyên trách về ATVSTP ở xã, phường là những người gần nhất với dân, nắm rõ địa bàn nên có thể thường xuyên kiểm tra và xử lý triệt để" - bà Thu lý giải.

Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATVSTP, lãnh đạo UBND TPHCM cũng kiến nghị Trung ương có thêm quy định, xếp các loại hóa chất phụ gia thực phẩm vào hạng mục kinh doanh có điều kiện. Bởi theo bà Thu, thực tế tại TPHCM, các loại hóa chất phụ gia thực phẩm vẫn thường được bày bán chung với hóa chất công nghiệp nên rất khó kiểm soát chất lượng, nguồn gốc.

Cần phổ biến thông tin các cơ sở đảm bảo ATVSTP

Nêu ý kiến tại buổi làm việc, hầu hết các thành viên Đoàn Giám sát của Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực của TPHCM trong việc quản lý ATVSTP, nhất là việc ứng dụng các giải pháp KHCN vào việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm; có kế hoạch chuyển đổi các cơ sở giết mổ thành các cơ sở giết mổ công nghiệp…

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban KHCN-MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng, hiện nay tại TPHCM vẫn đang có những bếp ăn tập thể, mỗi suất ăn có giá rất rẻ “chỉ” 15.000 đồng nên rất khó để đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm…

Do đó, ông Dũng cho rằng, để đảm bảo ATVSTP trên địa bàn TP, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, TPHCM cần tiếp tục triển khai quy trình sản xuất rau sạch và thực phẩm sạch; giám sát chặt chẽ các cơ sở tham gia trong hệ thống cung ứng thưc phẩm, từ nuôi trồng đến sản xuất - chế biến, giết mổ, vận chuyển, phân phối.

Bên cạnh đó, TP cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận nhằm kiểm soát tốt nguồn gốc thực phẩm; xây dựng thêm các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Đặc biệt cần sớm công khai, phổ biến rộng rãi thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATVSTP để người dân có thêm sự lựa chọn…

Phan Hoàng

Top