TPHCM tạm dừng bán tại chỗ quán ăn nhỏ ven đường
(Chinhphu.vn) - Ngày 21/5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. Trước tình hình dịch COVID-19 có chiều hướng bất ổn, phức tạp UBND TPHCM đã quyết định tạm dừng bán tại chỗ quán ăn nhỏ ven đường và chỉ bán mang về nhà để phòng, chống dịch.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong ngày 20/5 Thành phố có 03 trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố (Quận 3) và 01 trường hợp nghi nhiễm (quận Gò vấp).
Đối với 02 ca bệnh ngày 18/5, tổng số mẫu xét nghiệm thực hiện trong ngày 18/5 là 10.556 người gồm 10.518 người âm tính, 38 người chờ kêt quả. 03 ca bệnh quận 3 ngày 20/5, tổng số mẫu đã thực hiện là 1.861 người, toàn bộ đã có kết quả âm tính
Đối với 01 ca bệnh quận Gò vấp ngày 20/5, tổng số mẫu đã thực hiện là 32 F1 và 264 tiếp xúc khác hoặc có liên quan; két quả 32 F1 âm tính.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Lê Anh
Trước tình hình diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, nhất là tại các quận, huyện và TP. Thủ Đức nơi mới phát sinh các ca bệnh mới, cũng như chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày toàn dân bầu cử Quốc hội, đại diện các quận, huyện đều cho rằng, đối với các quán ăn nhỏ, ven đường chỉ nên khuyến khích mua hàng mang về để thực hiện giãn cách, đảm bảo an toàn.
Các quận, huyện và TP. Thủ Đức cho biết, đã tổ chức diễn tập bầu cử: Thực hiện bầu cử theo khung giờ; đo thân nhiệt, khử khuẩn trước khi vào bầu cử. Đồng thời, cử đoàn viên, hội viên, tổ COVID-19 cộng đồng hướng dẫn nhân dân khai báo y tế trước 23/5. Điểm bầu cử có phòng cách ly dự phòng, nếu trong quá trình đi bầu có phát sinh vấn đề gì thì sẽ đưa vào phòng cách ly để xử lý y tế.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao(CNC) TPHCM cho biết, ngay từ đầu tuần, Ban quản lý đã yêu cầu các công ty trong khu CNC đánh giá an toàn phòng chống dịch theo bộ chỉ tiêu an toàn phòng chống dịch của thành phố; xây dựng phương án ứng phó các tình huống, đồng thời ký cam kết.
Hàng tuần Ban quản lý Khu CNC sẽ đi kiểm tra đột xuất, không báo trước cho DN về tình hình thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, để tăng cường phòng chống dịch, đối với các hàng quán, khuyến khích đặt hàng, giao hàng tại nhà. Đồng thời, các địa phương cần chú ý, tăng cường kiểm tra tại các chợ truyền thống, đẩy mạnh xử phạt việc người dân không đeo khẩu trang.
Sở Y tế phối hợp với các địa phương tăng cường tầm soát những người đi về từ các địa phương có nguy cơ cao. Tăng tỷ lệ tầm soát lên mức cao nhất có thể của Thành phố.
Ông Dương Anh Đức cũng nhấn mạnh, qua sự việc 2 trường hợp nhiễm COVID-19 vừa qua, tới các phòng khám, rồi sau đó tới bệnh viện khám và phát hiện mắc COVID-19, điều này cho thấy, có sự lơi lỏng, không nghiêm túc, thiếu cảnh giác trong 2 phòng khám, yêu cầu Sở Y tế cần xử lý nghiêm để tăng sự cảnh giác.
Một chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 tại cửa ngõ TPHCM đang đo thân nhiệt cho người dân khi vào Thành phố. Ảnh: VGP/Lê Anh
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành, quận huyện, TP. Thủ Đức xác định công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, khẩn cấp nhất hiện nay. Lãnh đạo các đơn vị cần kêu gọi cán bộ công chức, viên chức gương mẫu đi đầu, vận động người thân, người dân thưc hiện tốt phòng chống dịch.
Về bầu cử, thực hiện kết quả như phương án diễn tập, nhất là các trường hợp, nơi có bỏ phiếu khu vực đang phong tỏa, người cách ly. Thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, trước trong và sau bầu cử.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu tạm dừng các hoạt động nghi lễ, tôn giáo và các hoạt động sự kiện tập trung hơn 20 người trở lên (ngoài phạm vi công trường, công sở, và bệnh viện). Người dân giữ khoảng cách 2m ở nơi công cộng. Các đội tuần tra, giám sát tại các địa phương cần thường xuyên giám sát, giải tán các nơi tập trung 20 người trở lên.
Các quán ăn nhỏ ven đường, cho bán mang về nhà, nhà hàng ăn uống có trên 10 lao động, vẫn theo nguyên tắc tập trung không quá 20 người, ngồi giãn cách. Nhà hàng, khách sạn cũng tương tự, không tập quá 20 người/phòng.
Ông Phong yêu cầu, Sở Y tế đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Các phòng khám tư, nhà thuốc trên địa bàn khi phát hiện người dân có biểu hiện ho, khó thở, phải lập danh sách báo cáo cơ sở y tế trên địa bàn. Trường hợp nào vi phạm thì rút giấy phép kinh doanh.
Sở TT&TT và Sở Y tế phối hợp để cung cấp thông tin hàng ngày cho báo chí về diễn biến tình hình dịch bệnh. Theo đó, nên vận động người dân không ra ngoài khi không thực sự cần thiết. Sở Công Thương chủ động các phương án cung cấp vật tư, y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu cung cấp cho nhân dân khi phát sinh các tình huống dịch bệnh.
Lê Anh