TPHCM tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đảm bảo cung cầu hàng hóa ổn định

25/07/2022 5:54 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, Sở Công Thương TPHCM đã phối hợp các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm (mỗi xã một sản phẩm – OCOP) của các tỉnh, thành phố.

TPHCM tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đảm bảo cung cầu hàng hóa ổn định - Ảnh 1.

Các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố được Sở Công Thương TPHCM kết nối với các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn Thành phố - Ảnh: VGP/Lê Anh

Cụ thể, Sở Công Thương Thành phố giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP của các tỉnh Hưng Yên (123 sản phẩm), Bình Thuận (70 sản phẩm), Hòa Bình (100 sản phẩm), Hà Giang, Đắk Nông (52 sản phẩm), Thành phố Cần Thơ (41 sản phẩm), Thành phố Đà Nẵng (40 sản phẩm),… Tiếp tục hỗ trợ kết nối, giới thiệu sản phẩm OCOP các tỉnh Nghệ An, Đà Nẵng, Lào Cai.

Sở Công Thương Thành phố phối hợp với Công ty Thế giới di động xây dựng website www.ketnoicungcau.vn. nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối hàng hóa giữa các địa phương và các hệ thống phân phối của Thành phố.

Song song với đó, Sở Công Thương đang tham mưu UBND Thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới đây. Trong khuôn khổ Hội nghị, dự kiến Sở Công Thương TPHCM sẽ tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp các tỉnh, thành phố với hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài nước bao gồm: Satra, Saigon Co.op, Lotte Mart, Aeon, Central Retail...

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng trong các hoạt động giao thương hiện nay, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, Sở Công Thương đã trình UBND Thành phố về kế hoạch triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn TPHCM năm 2022 và kế hoạch khung giai đoạn 2022 - 2025, nhằm sử dụng, khai thác hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Mục tiêu của đề án là, trong giai đoạn 2022 - 2025: Khai thác cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm; từ 15-20% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số; từ 80-90% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên cổng dịch vụ quốc gia.

Giai đoạn từ năm 2026 - 2030: Khai thác cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 20 ngành hàng xuất khẩu chủ lực, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 20 thị trường xuất khẩu trọng điểm; từ 50-60% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số; từ 80-90% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên cổng dịch vụ quốc gia.

Để đảm bảo khả năng bình ổn thị trường, đặc biệt các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bên cạnh việc tăng cường kết nối cung cầu, Sở Công Thương Thành phố triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 với 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia.

Chương trình chia rõ 3 nhóm đối tượng tham gia thông qua 3 hình thức: Cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng. Việc phân chia để phân biệt rõ từng đối tượng; từ đó, có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, sát thực tế. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng tập trung đảm bảo về hoạt động sản xuất, ứng dụng công nghệ, đầu tư nhà xưởng, phát triển vùng nguyên liệu,…; doanh nghiệp phân phối tập trung đảm bảo về mạng lưới điểm bán và tổ chức điểm bán hàng bình ổn thị trường; đầu tư phát triển hệ thống kho bãi, logistics,…

Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022 - 2023, các ngân hàng cho vay lãi suất ngắn hạn 5,9-6,4%/năm; trung và dài hạn 6,5-10%/năm.

Chiều 25/7, một số siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM đồng loạt thông tin về chương trình giảm giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhằm chung tay bình ổn thị trường. Cụ thể, hệ thống Central Retail cho biết, hàng chục sản phẩm thực phẩm tươi sống bao gồm: Thịt, cá, hải sản, rau củ và trái cây được áp dụng giảm giá 10% tại hệ thống đại siêu thị GO!, Big C.

Đặc biệt, tại khu vực TPHCM, các sản phẩm thịt lợn tiếp tục được bán với giá bình ổn thị trường: Thịt vai 136.000 đồng/kg; thịt cốt lết 135.000 đồng/kg; thịt chân giò 122.000 đồng/kg.

Tương tự, tại hệ các thống lớn như: Co.op Mart, Satra, MM Mega Market, Emart, Aeon mức giảm giá bình quân của mặt hàng thực phẩm trên dưới 10% tùy sản phẩm, siêu thị.

Như vậy, so với cuối tháng 6, giá xăng dầu giảm khoảng hơn 6.000 đồng/lít. Mặc dù vậy, theo phản ánh từ các hệ thống siêu thị, vẫn chưa nhận được thông báo điều chỉnh giảm giá từ các nhà cung cấp. Tuy vậy, các siêu thị vẫn duy trì khuyến mại nhằm kích cầu, đồng thời điều chỉnh giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc giảm giá xăng dầu vẫn cần có khoảng thời gian ít nhất nửa tháng để hình thành sự điều chỉnh chung về giá cả trên thị trường.

Lê Anh

Top