TPHCM tăng cường chống hàng giả, hàng nhái trước mùa mua sắm cuối năm

09/07/2025 1:15 PM

(Chinhphu.vn) - Trong 6 tháng đầu năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM phát hiện, xử lý 526 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 20 tỷ đồng, chuyển 4 vụ sang cơ quan điều tra.

TPHCM tăng cường chống hàng giả, hàng nhái trước mùa mua sắm cuối năm- Ảnh 1.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra các gian hàng tại Trung tâm Thương mại Saigon Square - Ảnh: VGP/Lê Nguyễn

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, qua triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường ghi nhận các mặt chỉ tiêu giảm hơn so với năm ngoái, nhưng nhiều vụ việc lớn, nghiêm trọng đã kịp thời bị kiểm tra, xử lý với những mặt hàng trọng điểm như thực phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm sữa, mặt hàng yến, mỹ phẩm. Đây đều là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người.

Bên cạnh hoạt động kiểm tra, xử lý, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đã được đẩy mạnh trong giai đoạn cao điểm, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời khuyến khích người dân tố giác hành vi vi phạm, nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tạo niềm tin trong cộng đồng cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh chân chính có động lực để tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc như mật độ kinh doanh cao, bao gồm nhiều chợ, trung tâm thương mại và hình thức buôn bán trực tuyến, gây áp lực lớn cho lực lượng thực thi trong việc bao quát, giám sát; Việc xử lý hàng giả trên nền tảng số gặp nhiều khó khăn do đối tượng thường giấu danh tính, không để lại thông tin giao dịch rõ ràng, khó xác minh, truy vết; một bộ phận người tiêu dùng vẫn đã quen với chọn lựa sản phẩm giá rẻ, chưa đánh giá đầy đủ nguy cơ về an toàn và chất lượng khi sử dụng hàng giả; sản phẩm giả ngày càng tinh vi, gây nhầm lẫn với hàng thật, cần sự hỗ trợ từ thiết bị kỹ thuật và đồng hành của doanh nghiệp chủ sở hữu quyền; việc xử lý ở một số địa bàn gặp khó do đối tượng kinh doanh thiếu hợp tác, có dấu hiệu né tránh khi phát hiện có lực lượng chức năng kiểm tra.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Huy kiến nghị cần khẩn trương sửa đổi Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016 và các quy định pháp luật có liên quan để phù hợp với tình hình thực tế về cơ cấu, tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường trong tình hình mới.

Theo ông Nguyễn Quang Huy cần tăng cường các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu cho công chức về kỹ năng giám sát, truy vết và thu thập thông tin trên môi trường mạng, đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, bao gồm cả việc nắm bắt được các thủ đoạn mới, cách thức ẩn danh và giao dịch xuyên biên giới của đối tượng. Đồng thời, khẩn trương đưa vào khai thác các hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn gốc, xuất hàng hóa, đối tượng vi phạm để cho phép các cơ quan chức năng dễ dàng tra cứu thông tin về sản phẩm, nhãn hiệu, dấu hiệu nhận biết hàng giả và các vụ việc vi phạm đã được xử lý.

TPHCM tăng cường chống hàng giả, hàng nhái trước mùa mua sắm cuối năm- Ảnh 2.

Phát hiện nhiều quần áo thể thao nhái thương hiệu nổi tiếng tại các cửa hàng trên địa bàn Củ Chi - Ảnh: VGP/Lê Nguyễn

Đặc biệt là triển khai các công cụ AI để tự động phát hiện các hành vi rao bán hàng giả, hàng cấm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và sử dụng Big Data để phân tích quy luật, thủ đoạn của các đối tượng, từ đó đưa ra dự báo và xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đúng trọng tâm, trọng điểm và đạt được hiệu lực, hiệu quả.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, từ nay đến cuối năm 2025, các hoạt động kiểm tra sẽ tiếp tục được tăng cường với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, nhằm bảo vệ thị trường tiêu dùng và quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh xử lý nghiêm vi phạm, thành phố cũng tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc nói không với hàng giả, hàng nhái.

Lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra các chợ đầu mối lớn như Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn, các trung tâm thương mại, siêu thị và kho chứa hàng hóa trên địa bàn. Đáng chú ý, các đơn vị chức năng cũng sẽ kiểm tra, xử lý các gian hàng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội - nơi ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo thương hiệu.

Nhân rộng mô hình "Tick xanh trách nhiệm"

Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp, thành phố sẽ nhân rộng mô hình "Tick xanh trách nhiệm" và phát động "Tick xanh trách nhiệm thương mại điện tử" với 3 chủ thể chính. Cụ thể là tick xanh trách nhiệm của sàn thương mại điện tử; tick xanh trách nhiệm của nhà bán hàng; tick xanh trách nhiệm của nhà tiếp thị liên kết.

Theo đó, các chủ thể đăng ký tham gia tick xanh trách nhiệm và thực hiện đúng nội dung cam kết. Bên cạnh đó phát huy tối đa cơ chế cộng đồng, công tác giám sát, kiểm tra chéo được tăng cường với sự tham gia tích cực, chủ động của cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng, cơ quan truyền thông, sàn thương mại điện tử, nhà bán hàng, nhà tiếp thị liên kết…

Theo Sở Công Thương TPHCM, Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM (gọi tắt Tick xanh trách nhiệm) liên tục có sự tăng trưởng về đơn vị và sản phẩm tham gia. Hiện chương trình có sự tham gia của 11 hệ thống phân phối như Co.opmart, Go!, Bách Hóa Xanh…; có 313 nhà cung cấp với 2.223 sản phẩm bán lẻ.

UBND TPHCM kêu gọi người dân không tiếp tay cho việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân chủ động cung cấp thông tin, hình ảnh về các hành vi nghi vấn để lực lượng chức năng kịp thời xử lý.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng phối hợp với các hội, hiệp hội ngành hàng tổ chức các chương trình khuyến mại hàng hiệu, nhận diện hàng thật - hàng giả nhằm nâng cao kỹ năng tiêu dùng an toàn cho người dân.

Công tác truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng từ nay đến cuối năm kỳ vọng tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác kiểm soát thị trường, góp phần xây dựng TPHCM trở thành địa bàn an toàn, minh bạch, đáng tin cậy cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Lê Nguyễn

Top