TPHCM thành lập thêm văn phòng thừa phát lại
(Chinhphu.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, TPHCM hiện nay có 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức. Trong giai đoạn thí điểm chế định thừa phát lại, TPHCM có 11 văn phòng thừa phát lại được thành lập và hoạt động (gồm Quận 1, 5, 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn). Như vậy, hiện nay tại TPHCM còn 11 quận, huyện chưa thành lập văn phòng thừa phát lại.
Trong khi đó, căn cứ theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8/1/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, TPHCM được phép thành lập thêm 28 văn phòng thừa phát lại tại 16 quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Cụ thể, cho phép thành lập 1 văn phòng thừa phát lại tại mỗi quận, huyện sau: Quận 1, 5, 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè. Cho phép thành lập 2 văn phòng thừa phát lại tại mỗi quận sau: Quận 3, 4, 6, 7, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Phú.
Như vậy, sau khi thành lập thêm 28 văn phòng thừa phát lại, TPHCM sẽ bảo đảm số lượng văn phòng thừa phát lại theo quy định.
Cụ thể, tại mỗi Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Phú, TP Thủ Đức: 2 văn phòng thừa phát lại hoạt động.
Tại mỗi huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi: 1 văn phòng thừa phát lại hoạt động.
Theo UBND TPHCM, việc phát triển các văn phòng thừa phát lại theo một mạng lưới gắn kết với địa bàn dân cư trên toàn thành phố nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý do thừa phát lại cung cấp. Đồng thời, góp phần giúp giảm tải lượng việc của các cơ quan như tòa án, cơ quan thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, bảo đảm tổ chức thực hiện chế định thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển các văn phòng thừa phát lại phải đi đôi với tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.