TPHCM thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công
(Chinhphu.vn) - Sáng 27/9, tại Kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề), các đại biểu HĐND TPHCM đã biểu quyết thông qua Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TPHCM.
Việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TPHCM sẽ được thực hiện từ ngày 1/10/2024 đến ngày 31/12/2026.
Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công TPHCM có chức năng tham mưu, giúp UBND Thành phố về kiểm soát thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính.
Đây cũng là nơi tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của UBND các cấp, cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, cấp huyện, các chi nhánh được tổ chức theo hệ thống ngành dọc trên địa bàn.
Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố cũng tiếp nhận các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích đóng trên địa bàn.
Trung tâm cũng có chức năng theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Theo UBND TPHCM, việc triển khai thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TPHCM là bước đi tất yếu, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được từ "Mô hình Bộ phận Một cửa hiện tại" của Thành phố nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh mới; hướng đến chuyên nghiệp hóa bộ phận hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa và trả kết quả thủ tục hành chính; tăng cường chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và không phân biệt địa giới hành chính khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn.
Ngoài ra, việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố sẽ giảm số lượng bộ phận một cửa, góp phần tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời các nguồn lực này có thể được sử dụng hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ.
Nguồn nhân lực dôi dư sẽ được bố trí, sắp xếp cho các vị trí công tác khác thiếu biên chế hoặc tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; đồng thời giảm chi phí cho cơ sở hạ tầng, bảo trì và các chi phí vận hành khác, góp phần tiết kiệm ngân sách.
Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TPHCM xác định lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để xây dựng thiết kế mô hình; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ, cùng với phương châm "Đổi mới - khả thi" khi thực hiện thí điểm.
Vũ Phong