TPHCM thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
(Chinhphu.vn) - Từ nhiều năm nay, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là lĩnh vực được TPHCM ưu tiên hỗ trợ để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các DN nhỏ và vừa trong nước.
Sản xuất công nghiệp khởi sắc
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, điều tra xu hướng sản xuất - kinh doanh tại các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy quý III/2024 đã có tín hiệu khởi sắc so với quý II/2024. Có 59,7% DN đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tốt lên; 25,2% giữ ổn định và 15,1% khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2024, số DN đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn sẽ tăng lên mức 62,3%; 24,7% giữ ổn định và 13% khó khăn hơn.
Cùng với đà phục hồi của các ngành công nghiệp, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở TPHCM cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Hầu hết DN CNHT các ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM, gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su nhựa, chế biến lương thực - thực phẩm, đã có đơn hàng đến hết quý IV/2024, một số có đơn hàng đến quý I/2025.
Để nắm bắt cơ hội sức mua hồi phục ở các thị trường xuất khẩu và cải thiện hơn nữa khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư sâu vào chuyển đổi công nghệ, số hóa sản xuất - kinh doanh.
Tiêu biểu như các doanh nghiệp ngành cao su nhựa đang đẩy mạnh đầu tư, đưa nguyên liệu tái chế vào sản xuất để cải thiện hơn nữa năng lực cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TPHCM, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất lốp ô tô toàn cầu, với kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cao su kỹ thuật trong năm 2024 dự kiến đạt 4 tỷ USD.
Cụ thể, đơn hàng của ngành lốp xe trong 6 tháng cuối năm 2024 đã tăng 10-15% so với nửa đầu năm, trong khi đơn hàng cao su kỹ thuật tăng tới 20%-30%. Sau giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ, và dự báo sẽ còn khởi sắc hơn vào năm 2025.
Nhiều chương trình hỗ trợ
Từ nhiều năm nay, CNHT là lĩnh vực được TPHCM ưu tiên hỗ trợ để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các DN nhỏ và vừa trong nước.
Mới đây, TPHCM đã tổ chức "Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT" vào tháng 8 và Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 diễn ra đầu tháng 10 nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động kết nối giữa DN sản xuất CNHT Việt Nam với DN FDI, DN sản xuất công nghiệp đầu cuối.
Sở Công Thương TPHCM cho biết theo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2025, DN CNHT sẽ được chính quyền thành phố ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung - cầu sản phẩm, hỗ trợ lãi suất đầu tư...
TPHCM tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ DN để đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; tư vấn, hỗ trợ DN nghiên cứu phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý chất lượng, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển CNHT cho sản phẩm công nghệ cao. Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho DN CNHT…
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhìn nhận ngành CNHT dù đã có bước tiến tích cực trong những năm gần đây nhưng tỉ lệ nội địa hóa vẫn chưa như kỳ vọng. Trong khi đó, các tập đoàn đa quốc gia luôn có nhu cầu gia tăng nguồn cung ứng nội địa, đặc biệt là trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ công nghệ cao như hàng không.
TPHCM đã và đang nỗ lực tạo ra một môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn, trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chính xác.
Tháng 9/2024, UBND TPHCM đã ban hành quyết định phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Trong đó, đề ra nhiều mục tiêu về đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ lao động, chất lượng hạ tầng... để DN ngành này đáp ứng yêu cầu theo kịp xu hướng thế giới, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Anh Lê