TPHCM: Thực hiện nhiều giải pháp phát triển nhà ở xã hội
(Chinhphu.vn) - Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, TPHCM kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội như cho phép Thành phố sắp xếp lại các dự án nhà ở xã hội trong dự án thương mại; bổ sung các quỹ đất khác để phát triển nhà ở xã hội…
Tại hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" tổ chức ngày 28/3, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành đã chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong đó có vấn đề điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận đầu tư, xin ý kiến các sở ngành cũng chiếm nhiều thời gian.
Từ đó, ông Nghĩa cho rằng cần đột phát ở những điều này, cũng như đột phá con người. "Nhiều khi lãnh đạo TPHCM, sở, ngành rất quyết tâm nhưng lại chậm ở các chuyên viên - những người trực tiếp xử lý hồ sở của doanh nghiệp", ông Nghĩa nói.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TPHCM, cho hay, có nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội tại Thành phố, trong đó lĩnh vực này chịu tác động của 6 đạo luật.
Một thực tế hiện nay là dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải làm thủ tục tính toán này xong mới được miễn. Ngoài ra, còn phải kiểm tra đối tượng được mua nhà ở xã hội, thẩm định giá bán. Những việc này khiến kéo dài thời gian làm thủ tục, không hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng hạn chế, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống.
Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho hay trên cơ sở rà soát các vướng mắc, Thành phố đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án nhà ở xã hội để rõ ràng các bước ở các cơ quan, giúp Thành phố kiểm soát tiến độ, nhà đầu tư biết lộ trình, quy chế phối hợp giữa các sở ban ngành.
Cùng với đó, Thành phố cũng công bố chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, góp phần vào việc thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp mà Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ.
Ông Hồ cho biết, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tính toán thiết kế nhà ở xã hội để giảm giá thành. Ngoài ra, Sở Xây dựng sẽ tham mưu đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở để có quỹ nhà ở xã hội trong tương lai.
Theo ông Phạm Đăng Hồ, trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, TPHCM cũng kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án được ưu đãi tăng chỉ tiêu quy hoạch 1,5 lần mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu.
Đồng thời, cho phép Thành phố sắp xếp lại các dự án nhà ở xã hội trong dự án thương mại. Hiện nay cơ chế yêu cầu chủ đầu tư dành quỹ đất 20% trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội nên dẫn tới nhà ở xã hội phân bố toàn địa bàn mà chưa gắn với quy hoạch. Thành phố xin quy hoạch nhà ở xã hội theo khu vực.
Ngoài ra, Thành phố cũng kiến nghị bổ sung các quỹ đất khác để phát triển nhà ở xã hội chứ như hiện nay phải là đất ở.
Lê Anh