TPHCM thực hiện tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm

28/09/2023 9:53 AM

(Chinhphu.vn) - Sáng 28/9, UBND TPHCM tổ chức Phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm.

TPHCM thực hiện tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm - Ảnh 1.

Toàn cảnh Phiên họp - Ảnh: VGP/Hương Thảo

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Thành phố đã làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2023 ước tăng 6,71%, 9 tháng ước tăng 4,57% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 3,2%; 04 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 8,6%; tổng doanh thu du lịch ước tăng 35,8% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13% (37.224 doanh nghiệp).

Thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, đạt kế hoạch đề ra. Hoạt động chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, đứng thứ 2 cả nước về Chỉ số chuyển đổi số.

Ông Kiên cho biết thêm, trong 21 chỉ tiêu thành phần (của 17 nhóm chỉ tiêu) kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 theo Nghị quyết số 71 năm 2022 của HĐND Thành phố, dự kiến có 19/21 chỉ tiêu đạt và phấn đấu đạt kế hoạch; có 02 chỉ tiêu dự kiến không đạt.

TPHCM thực hiện tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm - Ảnh 2.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM, báo cáo tình hình kinh tế-xã hội Thành phố 9 tháng đầu năm - Ảnh: VGP/Hương Thảo

Tuy nhiên, ông Kiên cũng nêu ra một số tồn tại, hạn chế. Kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, một số thị trường chậm cải thiện, tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của Thành phố bị ảnh hưởng; đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm (kim ngạch xuất khẩu giảm 14,2%; kim ngạch nhập khẩu giảm 17,25%).

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng, nhưng giảm về vốn đăng ký so với cùng kỳ (giảm 9%); thu hút đầu tư FDI giảm mạnh (giảm 34,1%).

Mặc dù tình hình giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ về giá trị tuyệt đối, nhưng tốc độ giải ngân còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng.

Ngoài ra, dư nợ tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng chậm, đặc biệt thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thật sự được khơi thông, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nợ xấu tiếp tục có xu hướng gia, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp từ nay đến cuối năm còn khá lớn.

Thêm vào đó, chỉ số lao động việc làm 9 tháng năm 2023 tiếp tục đà suy giảm so với cùng kỳ năm 2022 mặc dù trong tháng 9/2023 có tăng nhẹ so với tháng trước. Dự báo khả năng việc cắt giảm lao động có nguy cơ tăng trong quý IV.

TPHCM thực hiện tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM nêu ý kiến tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Hương Thảo

Cần tập trung kênh kích cầu tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, 9 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ vẫn là trụ cột chính trong tăng trưởng, đóng góp 7,03% trong quý III, 9 tháng là 5,67%. Vì vậy, kích cầu tiêu dùng là một kênh quan trọng mà Thành phố cần tập trung.

Ông Hoàng cho rằng tín hiệu đáng mừng là tháng 9 là tháng thứ 3 liên tiếp Thành phố có mức tăng sản xuất công nghiệp trên 2%, như vậy đã vượt qua giai đoạn suy giảm của những tháng đầu năm, góp phần duy trì thị trường nội địa.

Ngoài ra, số doanh nghiệp tham gia thị trường tăng, số dự án đăng ký tăng 51,7%, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đối với Thành phố.

Tuy nhiên, ông Hoàng nhận định, trong 9 ngành dịch vụ thì chỉ duy nhất hoạt động bất động sản vẫn tăng trưởng âm, giảm 8,71%. Bất động sản suy giảm kéo theo ngành xây dựng giảm, vì vậy vấn đề tháo gỡ cho thị trường bất động sản là một nút thắt Thành phố cần giải quyết.

Giải ngân đầu tư công có nỗ lực nhưng tỉ lệ giải ngân vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Ngoài ra, giải ngân đầu tư công có dấu hiệu chậm lại, cho thấy áp lưc đối với nhiệm vụ này trong quý IV là rất lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp đang có những dấu hiệu khởi sắc. Các lĩnh vực như dệt may, lương thực-thực phẩm bắt đầu nhận được những đơn hàng trở lại, tuy nhiên đó là những đơn hàng ngắn hạn, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu mua sắm cao điểm Tết, mang tính chất thiết yếu và tiêu dùng thường xuyên, còn các mặt hàng tiêu dùng dài hạn như gỗ, nội thất thì chưa có nhu cầu trở lại.

Ngoài ra, thị trường nội địa, nhờ chính sách giảm thuế VAT và các chương trình kích cầu, khuyến mãi, đã có sự khởi sắc nhưng chưa thực sự đột phá.

Ông Hòa nêu, doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn đối với các vấn đề như chậm hoàn thuế xuất khẩu, các thủ tục về đất đai. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố đề xuất cần khơi thông nguồn lực đất đai mạnh mẽ để doanh nghiệp sớm tiếp cận được, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Anh Thơ

Top