TPHCM triển khai sắp xếp các phường trong tháng 12

27/11/2024 3:58 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 26/11, UBND TPHCM tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM giai đoạn 2023 - 2025.

TPHCM triển khai sắp xếp các phường trong tháng 12- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Ngọc Tấn

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1-2025. Theo Nghị quyết, TPHCM sẽ sắp xếp 80 phường thành 41 phường mới thuộc 10 quận (3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận) trên địa bàn, giảm 39 phường.

Việc sắp xếp bộ máy và bàn giao cơ sở vật chất tại 41 phường mới của 10 quận trên sẽ tiến hành theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ ngày 1/12 đến ngày 31/12/2024. Trong đó, 10 quận sẽ tổ chức sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội của các phường trực thuộc theo tên của đơn vị hành chính mới.

Đồng thời, chỉ định ban Chấp hành, bí thư, phó Bí thư các phường và chủ trương nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường mới.

Như vậy, từ đầu năm 2025, TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và TP. Thủ Đức, 273 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 210 phường, 58 xã và 5 thị trấn.

Giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2025, sau khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động đến ngày Đại hội đảng bộ cấp cơ sở, các phường mới tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức sau khi sắp xếp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị UBND 10 quận triển khai trên tinh thần khẩn trưởng, nghiêm túc, tuân thủ quy trình, quy định và hướng dẫn thực hiện.

Liên quan đến sắp xếp lại cơ sở vật chất khi sáp nhập, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các trường học vẫn giữ nguyên, không nhập lại với nhau. Trạm y tế nhập lại ở một đơn vị nhưng các cơ sở cũ vẫn phải phục vụ cho cả phường. Đồng thời quản lý sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất khác, không để bỏ hoang phí.

Sau sắp xếp sẽ dôi dư hơn 1.000 người, do đó, việc bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư phải theo lộ trình, ưu tiên bố trí cán bộ tại địa phương. Giải quyết tốt chính sách cho cán bộ dôi dư; cần áp dụng nhiều chính sách để hỗ trợ cho các cán bộ dôi dư.

Ông cũng yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu UBND Thành phố trình HĐND TPHCM về những chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư.

Việc sáp nhập phường tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp nhất là các loạt giấy tờ gắn với địa chỉ như thẻ căn cước, số nhà, giấy tờ nhà đất, tài khoản ngân hàng,... Dự kiến có khoảng 800.000 người dân và doanh nghiệp cần điều chỉnh thông tin giấy tờ do thay đổi địa giới hành chính và tên phường. Do đó ông Hoan đề nghị các địa phương không thay đổi đồng loạt mà thay đổi khi người dân có nhu cầu, tránh tình trạng tất cả người dân phải đến cơ quan hành chính xếp hàng chờ thay đổi giấy tờ. Không thu bất kỳ loại phí nào khi người dân thay đổi giấy tờ.

Với ngành công an, cần chủ động cập nhật những thay đổi trong hồ sơ của người dân trên hệ thống làm cơ sở để các ngành khác sử dụng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, các đơn vị sau sắp xếp cần nhanh chóng ổn định tố chức bộ máy, nhân sự tổ chức Đảng, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đưa bộ máy hành chính nhà nước tại các phường mới chính thức hoạt động đúng kế hoạch.

Đồng thời đề nghị trong thời gian từ ngày 28 đến ngày 31/12/2024, UBND các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngọc Tấn

Top