Triển khai Chỉ thị 17 có giảm ‘điểm nóng’ đất đai ở TPHCM?

24/07/2018 2:05 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội trên địa bàn, mới đây UBND TPHCM đã hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất trên địa bàn. Cuộc sống tạm cư của dân Thủ Thiêm khi nào chấm dứt?
Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn đang là một trong những điểm nóng khi nhiều hộ dân ở đây cho rằng đất, nhà của họ không nằm trong ranh quy hoạch nên không chấp hành di dời, tiếp tục khiếu nại lên các cấp có trách nhiệm. Ảnh: VGP

TPHCM đã và đang triển khai nhiều công trình phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, điều này đồng nghĩa với việc đất đai bị thu hồi ngày càng nhiều. Tuy nhiên, muốn triển khai thành công, dư luận cho rằng chính quyền Thành phố cần làm tốt việc công khai, minh bạch trong triển khai các dự án, và nhất là phải nhận được sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Người dân không đồng thuận do nhiều bất cập trong triển khai

Thời gian qua, TPHCM đã bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để đầu tư xây dựng, mua lại các dự  án nhằm tạo quỹ nhà phục vụ nhu cầu tái định cư (TĐC) cho người dân bị ảnh hưởng phải di dời tại các dự án trên địa bàn. Đây là chủ trương đúng nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống nhưng đáng tiếc trong quá trình thực hiện bộc lộ nhiều bất cập. Không ít khu nhà TĐC đang bị bỏ hoang, hoặc người dân ở một thời gian rồi chuyển nhượng cho người khác.

Điển hình như Dự án khu TĐC tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh có quy mô 30,9 ha, với 45 lốc chung cư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Đây là dự án phục vụ cho các hộ dân bị giải tỏa khu vực kênh Tham Lương, và một số chương trình chỉnh trang đô thị. Nhưng do hạ tầng chưa đồng bộ, cách xa trung tâm dẫn tới tình trạng rất ít người dân đến ở, nhà TĐC bỏ trống, xuống cấp. Hiện chỉ có khoảng gần 500 hộ dân đến ở (gần 25%).

Tương tự, tại KĐTM Thủ Thiêm, Thành phố cũng đầu tư xây dựng khoảng hơn 12.000 căn hộ phục vụ TĐC tại chỗ cho các hộ dân thuộc 5 phường trung tâm của khu đô thị này nhưng đến nay phần lớn các căn hộ vẫn không người ở.

Trong khi đó, tại một số địa bàn, nhiều người bị thu hồi đất muốn mua nhà TĐC lại không đủ tiền để mua. Trong một cuộc họp mới đây, khi bàn về vấn đề di dời, giải phóng mặt bằng và TĐC nhà ở trên và ven kênh rạch, ông Trần Hoàng Quân - Chủ tịch UBND quận 4 nêu ý kiến cho biết thực tế trên địa bàn quận, nhiều trường hợp người dân bị thu hồi đất nhưng không mua nổi nhà TĐC vì giá nhà cao hơn số tiền được bồi thường.

Không chỉ liên quan đến khâu TĐC, một loạt vấn đề khác như tồn tại nhiều dự án quy hoạch treo, việc thu hồi đất chưa được công khai, minh bạch; công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư không thỏa đáng; dự án chậm triển khai hay chuyển nhượng lòng vòng… dẫn đến việc thiếu đồng thuận và gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Chính quyền đã làm tròn trách nhiệm?

Theo thống kê, TPHCM hiện có 12 vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp trong đó đa số liên quan đến thu hồi đất, chính sách bồi thường và TĐC. Một số vụ khiếu kiện kéo dài, liên quan đến các dự án lớn trên địa bàn như: Dự án KĐTM Thủ Thiêm (quận 2), Dự án Khu công nghệ cao (quận 9), Dự án Chỉnh trang phát triển đô thị tại phường Long Bình (quận 9)…, đã trở thành tâm điểm của dư luận thời gian qua.

Nguyên nhân của hầu hết các vụ việc nói trên là do chính quyền địa phương, ngành chức năng và người dân không tìm được tiếng nói chung trong giải quyết vấn đề. Nhiều vụ việc đã có Kết luận của Thanh tra Chính phủ, có chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn chưa được các cấp thành phố giải quyết dứt điểm.

Đáng chú ý, một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong quản lý nhà nước về đất đai và bồi thường, hỗ trợ, TĐC, gây thiệt hại cho Nhà nước và bức xúc trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng.

Qua các vụ khiếu kiện trên địa bàn, một câu hỏi đặt ra là chính quyền địa phương, ngành chức năng của TPHCM những năm qua đã làm đúng, làm đủ và tròn nhiệm vụ của mình chưa? MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố đã làm gì? Đặc biệt, các đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội tại TPHCM - những người đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của người dân họ đã ở đâu trước những bức xúc của người dân?

Phải ổn định cuộc sống của người dân bị thu hồi đất

Trước vấn đề trên, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất nhằm ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Để thực hiện 4 mục tiêu mà Ban Thường vụ Thành ủy đã xác định, UBND TPHCM đã đề ra 32 giải pháp, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó nhấn mạnh công tác ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất, bảo đảm nơi ở mới của người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; có cơ chế, chính sách để khuyến khích người phải di chuyển chỗ ở được tự lựa chọn hình thức TĐC phù hợp với nhu cầu ở, khả năng thanh toán…

UBND TPHCM cũng đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC và thu hồi đất các dự án có phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC phê duyệt trước ngày 1/7/2014 và hoàn thành bàn giao mặt bằng đối với dự án có phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC phê duyệt theo Luật Đất đai 2013.

Ngoài ra, sẽ tập trung rà soát, hoàn thành giải quyết một số vụ việc khiếu nại đông người tại một số dự án đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cùng với đó, sẽ công khai, minh bạch các dự án đang và sẽ triển khai để giảm dần các vụ khiếu kiện đông người, không để phát sinh “điểm nóng”.

Với việc ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 17 của UBND TPHCM, dư luận đang kỳ vọng thời gian tới đây công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC các dự án có thu hồi đất sẽ được triển khai hiệu quả, hài hòa lợi ích, và nhất là phải có được sự đồng thuận cao trong nhân dân, không để phát sinh các vụ khiếu kiện phức tạp, góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Anh Tuấn

Top