Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM: Cần tạo hệ sinh thái cho ngân hàng số, Fintech phát triển

25/02/2022 2:52 PM

(Chinhphu.vn) - Để hình thành trung tâm tài chính quốc tế, TPHCM cần có lộ trình quản trị rủi ro và tự do hóa tài chính; tập trung vào 3 trụ cột chính là: Tài chính; hệ thống ngân hàng số, Fintech; giao dịch phái sinh và hàng hóa.

Ngày 25/2, UBND TPHCM tổ chức hội thảo "Đề án phát triển TPHCM thành Trung tâm Tài chính quốc tế" nhằm lấy ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp để sớm hoàn thiện đề án trước khi chính thức trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.

Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM: cần tạo hệ sinh thái cho ngân hàng số, Fintech phát triển  - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng mong muốn các chuyên gia, doanh nghiệp góp ý hoàn thiện đề án trước khi chính thức trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện - Ảnh: VGP/Lê Anh

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trên cơ sở đề nghị của UBND TPHCM và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho UBND TPHCM nghiên cứu, lập đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM.

Điều này không chỉ thể hiện khát vọng của Thành phố mà còn thể hiện ý chí quyết tâm của Trung ương nhằm nỗ lực hiện thực hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với nhiệm vụ "thúc đẩy TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế" là một trong các chiến lược được đặt ra của đât nước về phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 10 năm tới (2021-2030), góp phần quan trọng trong việc tạo cơ chế bứt phá để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao và xa hơn là mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho rằng, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành trung tâm tài chính quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho Thành phố, vì để hình thành và vận hành hiệu quả các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế cần rất nhiều nỗ lực thực hiện, bao gồm định hướng mô hình phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách,  khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực, xác định các chính sách chiến lược mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn tài chính lớn đầu tư vào trung tâm tài chính Việt Nam

Chính vì vậy, hội thảo ngày hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thiện việc xây dựng dự thảo đề án phát triển TPHCM thành Trung tâm tài chính quốc tế (đề án), làm cơ sở để Thành phố tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương trong tháng 3/2022 trước khi chính thức trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện

Tập trung vào hệ thống ngân hàng số, Fintech và giao dịch phái sinh

Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cho biết, thời gian qua, HFIC được lãnh đạo Thành phố giao chủ trì thực hiện đề án. Yêu cầu đề án đặt ra là phải xây dựng được hành lang pháp lý cụ thể, đảm bảo tính khoa học, khả thi, phù hợp với Việt Nam và thế giới.

Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM: cần tạo hệ sinh thái cho ngân hàng số, Fintech phát triển  - Ảnh 2.

Các chuyên gia góp ý hoàn thiện đề án TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo bà Trang, TPHCM là thành phố duy nhất của Việt Nam được chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) đưa vào danh sách đánh giá xếp hạng so với các Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế. TPHCM được đánh giá và xếp hạng là TTTC thứ cấp (03/2020) và trong nhóm TTTC trung bình so với các nước trong khu vực.

Với định hướng phát triển TPHCM là trung tâm tài chính khu vực, đề án đặt mục tiêu TPHCM xếp hạng tốp 50 TTTC quốc tế vào năm  2030. Để cụ thể hóa mục tiêu trên, 4 chương trình hành động được HFIC đề xuất triển khai từ nay tới 2025 là: Phát triển Fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch  tài chính số; thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực cho TTTC quốc tế TPHCM; phát triển khu tài chính – thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường hàng hóa tại TTTC quốc tế TPHCM.

Góp ý cho đề án, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh, đề án cần hướng tới tầm nhìn toàn cầu và theo lộ trình từ khu vực tới quốc tế, nhưng phải đột phá về chính sách để phát triển nhằm đi nhanh về công nghệ số. Ngân hàng số, tiền số, phát triển thị trường hàng hóa phái sinh… thu hút các định chế đầu tư quốc tế

Đồng quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế mang tầm quốc gia và phải có trọng điểm, trụ cột để có động lực đi lên được, trong đó tập trung vào 3 trụ cột chính là: Tài chính; hệ thống ngân hàng số, Fintech; giao dịch phái sinh và hàng hóa. 3 trụ cột này cần được nói rõ, chi tiết cụ thể hơn để đưa ra kế hoạch thực hiện. Giai đoạn quan trọng nhất là từ nay đến năm 2025 cần dẹp bỏ những cản trở, trở ngại, tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho 3 trụ cột nói trên phát triển.

Góp ý vào đề án, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, đến từ Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, TPHCM có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính toàn cầu với hơn 200 DN Fintech, nơi tập trung nhiều ngân hàng truyền thống và công ty chứng khoán…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các trung tâm tài chính quốc tế luôn có sự xuất hiện của các tập đoàn tài chính hoạt động đa ngành, đây là điều mà TPHCM đang thiếu.

Để hình thành trung tâm tài chính quốc tế, TPHCM cần có lộ trình quản trị rủi ro và tự do hóa tài chính.

Đặc biệt, ông Thành kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cùng TPHCM xây dựng khung pháp lý cho ngân hàng số. Tách biệt ngân hàng số 100%, đây là cú hích rất lớn tạo điểm nhấn cho trung tâm tài chính TPHCM.

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, phải có cộng đồng Fintech sôi động; tạo được hạ tầng và không gian cho các nhà khởi nghiệp hội tụ, hình thành mạng lưới Fintech. Chính quyền đảm bảo tính liên tục trong các chính sách hỗ trợ Fintect phát triển và có ưu đãi về thuế cho lĩnh vực này.

Lê Anh

Top