Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam giải quyết 180 vụ năm 2018
(Chinhphu.vn) - Cùng với sự hoàn thiện và khuyến khích của các quy định pháp luật, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thông qua trọng tài đang dần trở nên phổ biến hơn, góp phần giảm tải cho các cơ quan tố tụng và tư pháp.
Để giảm bớt tranh chấp thương mại, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về năng lực, uy tín của đối tác trước khi hợp tác. |
Tổng kết của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết năm 2018 vừa qua, tổ chức này đã giải quyết 180 vụ tranh chấp thương mại với tổng trị giá 9.400 tỷ đồng - mức cao nhất trong 25 năm qua kể từ khi được thành lập theo Quyết định 204/TTg ngày 28/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch VIAC - lĩnh vực tranh chấp nhiều nhất trong thời gian qua đang có sự dịch chuyển nhất định. Nếu như trong giai đoạn đầu hoạt động của VIAC, gần như 100% tranh chấp được xử lý đều là các hợp đồng mua bán hàng hóa, trong đó 90% tranh chấp có yếu tố nước ngoài, thì nay tranh chấp mua bán hàng hóa đã giảm đi, tới hết năm 2018 chỉ còn 40%. Nhưng thay vào đó, tranh chấp thương mại gia tăng ở một số lĩnh vực khác như: xây dựng, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng.
Các tranh chấp được xử lý tại VIAC diễn ra giữa các đối tác, doanh nghiệp đến từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và 53/63 tỉnh thành. Những quốc gia có đầu tư tại Việt Nam lớn nhất cũng là những nơi có nhiều vụ tranh chấp thương mại nhất.
Với trọng tài thương mại, tranh chấp được thụ lý đảm bảo yếu tố trung lập khi các bên đều có quyền lựa chọn trọng tài viên (2 trọng tài viên cùng thống nhất đề cử thêm một trọng tài viên khác để thành lập hội đồng trọng tài) và đề cử ngôn ngữ (ngoài tiếng Việt) giải quyết tranh chấp. Xử lý tranh chấp tại trọng tài có tính bảo mật cao theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phán quyết của trọng tài thương mại có giá trị chung thẩm, được chuyển thẳng sang cơ quan thi hành án.
Dù chưa có thống kê nào được công bố về tổng số vụ việc mà các trung tâm trọng tài thương mại tại Việt Nam giải quyết được hàng năm nhưng theo ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng thư ký VIAC - thì tỷ lệ này có lẽ vẫn còn khiêm tốn so với khối lượng tranh chấp thương mại rất lớn mà ngành tòa án phải xử lý mỗi năm.
Trong khi đó, xu hướng giải quyết tranh chấp ngoài tòa án - tức qua các trọng tài thương mại - đã thực sự phổ biến ở nhiều nước phát triển. Một khảo sát do Hãng kiểm toán PWC và Đại học Queen Mary (Anh) được VIAC dẫn ra cho thấy có tới 52% doanh nghiệp nói chọn trọng tài kinh tế là phương thức ưu tiên lựa chọn giải quyết các tranh chấp thương mại có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Phương Hiền