Tuân thủ CBAM: Con đường hướng tới xuất khẩu xanh vào thị trường EU
(Chinhphu.vn) - Để duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường EU, việc tuân thủ các quy định mới như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là điều tất yếu. CBAM không chỉ yêu cầu minh bạch về lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất mà còn đòi hỏi các doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ sạch và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC. Ảnh: VGP/Lê Anh
Chiều 07/5 tại TPHCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Tiểu ban tăng trưởng xanh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tổ chức Hội nghị "Tuân thủ CBAM: Con đường hướng tới xuất khẩu xanh vào thị trường châu Âu".
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC, cho biết trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sản xuất sạch. Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo bà Quyên, để duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường EU, việc tuân thủ các quy định mới như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là điều tất yếu. CBAM không chỉ yêu cầu minh bạch về lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất mà còn đòi hỏi các doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ sạch và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
Theo Cục Thống kê, tính chung quý I/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2024. Điều này cho thấy EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng đối với Việt Nam.
Tuân thủ CBAM – Giúp DN xuất khẩu Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh
Bà Đỗ Thị Hồng Duyên, Phó Chủ tịch Tiểu ban tăng trưởng xanh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu EuroCham (GGSC) cho biết CBAM là một phần quan trọng của Thỏa thuận xanh của EU. Bắt đầu từ tháng 1 năm 2026, các nhà nhập khẩu vào EU phải khai báo lượng khí thải carbon của hàng hóa như thép, nhôm, xi măng và phân bón. Tuân thủ CBAM có thể mở ra con đường cho các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa xuất khẩu và củng cố chỗ đứng của họ tại thị trường châu Âu – một thị trường đặt môi trường làm trung tâm.
"Chúng tôi hiểu rằng quá trình chuyển đổi không đơn giản, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon. Nhưng đó cũng là một cơ hội: những doanh nghiệp tiên phong và có chiến lược sẽ không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn đạt được lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế xanh toàn cầu", bà Duyên chia sẻ.

Bà Đỗ Thị Hồng Duyên, Phó Chủ tịch Tiểu ban tăng trưởng xanh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu EuroCham (GGSC). Ảnh: VGP/Lê Anh
Theo các chuyên gia, việc tuân thủ CBAM không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà còn đòi hỏi sự chủ động từ phía doanh nghiệp. Theo đó, các DN cần chủ động đầu tư vào công nghệ sạch, cải thiện quy trình sản xuất, xây dựng hệ thống quản lý phát thải và nâng cao năng lực báo cáo, xác minh dữ liệu phát thải. Việc chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với mỗi doanh nghiệp mà còn tác động tới cả chuỗi cung ứng. Khi một đơn vị cung ứng giảm phát thải, các doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động cũng sẽ đến gần hơn với mục tiêu về đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
TS. Nguyễn Phương Nam, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn & Dịch vụ đổi mới khí hậu Klinova, cho rằng, CBAM nhìn chung đặt ra không ít thách thức cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, bao gồm các yêu cầu ngày càng cao về báo cáo phát thải, sự phức tạp trong thu thập số liệu và mức độ cạnh tranh gia tăng khi các nhà nhập khẩu EU sẽ ưu tiên hàng hóa có cường độ phát thải thấp.
Để đối phó các quy định mới, TS. Nguyễn Phương Nam khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu kỹ về CBAM, rà soát quy trình sản xuất và xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính. Đồng thời, ông Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện kiểm kê phát thải và cường độ phát thải trên mỗi sản phẩm, từ đó lên kế hoạch giảm nhẹ phát thải một cách hiệu quả, ví dụ như sử dụng năng lượng tái tạo và tối ưu hóa công nghệ.
Theo Quyết định số 232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/01/2025, Việt Nam sẽ triển khai thí điểm hệ thống giao dịch phát thải (ETS), tạo nền tảng cho việc định giá carbon trong nước. Đồng thời, Thủ tướng cũng giao trách nhiệm và yêu cầu các Bộ và cơ quan liên quan thành lập, phát triển thị trường carbon phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tiễn, định hướng phát triển quốc gia, cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Lê Anh