Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Không cần 'cao siêu' mà cần hiệu quả

27/12/2022 6:51 PM

(Chinhphu.vn) - Đối với trí tuệ nhân tạo, cần tập trung vào những bài toán rất nhỏ nhưng cần thiết để thực hiện một cách hiệu quả.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Không cần 'cao siêu' mà cần hiệu quả - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, có 2 điểm cơ bản và 3 vấn đề cần giải quyết trong ứng dụng AI tại nước ta - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sáng 27/12, Sở TT&TT TPHCM tổ chức Hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công năm 2022.

Nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân; Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân; Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức; Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng dự Hội thảo.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, có 2 điểm cơ bản trong chiến lược phát triển AI có thể phát huy đúng thế mạnh của nước ta. Đầu tiên đội ngũ nguồn nhân lực trẻ, chịu khó học hỏi, được đào tạo về CNTT và nhiều tiềm năng phát triển.

Thứ 2 là Việt Nam rất nhiều bài toán, nhiều vấn đề cần giải quyết.

Ví dụ, những bài toán về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở ĐBSCL; bài toán về đô thị phát triển bùng nổ của TPHCM, của Hà Nội; bài toán về giao thông, quản lý tài nguyên… Đây đều sẽ là những bài toán trong tương lai của thế giới.

Ông Duy cho rằng, AI là để giải quyết những việc mà con người cần làm, trong đó có 3 nhóm vấn đề: Các ứng dụng phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân về thủ tục hành chính, học tập, giải trí, an ninh…; các bài toán của chính quyền liên quan đến quản lý hành chính, quản lý đô thị, quản lý tài nguyên và công cụ giúp đảm bảo an ninh trật tự cho doanh nghiệp và người dân (camera giám sát an ninh, camera giao thông...).

"Chúng ta không cần AI ở những điểm cao siêu như thay thế được nhân công lao động, thay thế con người… mà cần AI để giải quyết những công việc lặp đi lặp lại trên diện rộng, thường xuyên mà con người không làm được như camera an ninh, giám sát giao thông... Chúng ta nên tập trung vào những bài toán rất nhỏ, rất cụ thể để ứng dụng AI thực sự hiệu quả", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Không cần 'cao siêu' mà cần hiệu quả - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức: AI phải đi đầu để công nghệ sẽ là công cụ giải quyết nhiều vấn đề sát sườn của TPHCM như giao thông, giáo dục, y tế, hành chính công - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Đồng quan điểm trên, trong phát biểu của mình tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức cũng cho rằng, ứng dụng AI không phải là việc hô hào để khoe khoang thành tích, mà cần phải làm thực chất. AI phải đi đầu để công nghệ sẽ là công cụ giải quyết nhiều vấn đề sát sườn của TPHCM như giao thông, giáo dục, y tế, hành chính công.

Đặc biệt, năm 2023 tới đây, Thành phố chọn chủ đề năm là "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội".

Để thực hiện chủ đề này, ông Dương Anh Đức đề nghị Sở TT&TT cần triển khai nhanh Chương trình Chuyển đổi số, đặt trọng tâm xây dựng Chính quyền số. Sở phải là đầu mối phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan gấp rút chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trong đó tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung của toàn Thành phố về những vấn đề trọng tâm mà Thành phố đang đầu tư phát triển, đưa ra các bài toán cấp thiết về vấn đề hành chính công, quản lý hành chính để các chuyên gia, các nhà khoa học và doanh nghiệp cùng chung tay với thành phố nghiên cứu giải quyết.

Nêu ra một số vấn đề mang tính cấp bách hiện nay, theo ông Đức, đó là cần tiếp tục đầu tư, đào tạo đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghiên cứu về AI và phải có các bài toán, cung cấp nguồn lực về tài chính để các đơn vị trường, viện tham gia tìm hiểu về nhu cầu của các cơ quan, ban ngành Thành phố, từ đó, nghiên cứu đúng trọng tâm mà Thành phố đang cần.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Không cần 'cao siêu' mà cần hiệu quả - Ảnh 3.

Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng thừa nhận, việc ứng dụng AI trong khu vực hành chính công TPHCM vẫn chưa thật sự có tính hệ thống, bài bản, đồng bộ và chưa nhiều - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Ứng dụng AI ở TPHCM chưa thực sự bài bản, đồng bộ

Theo Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng, năm 2022, TPHCM đã rất quyết tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hình thành được một số sản phẩm cụ thể như: Khai thác ứng dụng từ dữ liệu chuyên ngành của ngành tư pháp, GD&ĐT, TN&MT. Đặc biệt, ngành tư pháp Thành phố đã cấp bản sao trích lục 4 loại thủ tục từ Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại Kho dữ liệu dùng chung Thành phố cho cá nhân, không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú của người yêu cầu).

Thành phố cũng đã ra mắt một số nền tảng số quan trọng như: Hệ thống giám sát xử lý phản ánh, kiến nghị người dân theo thời gian thực; Hệ thống Giải quyết TTHC; Dashboard tổng hợp thông tin kinh tế -xã hội. Tỉ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP năm 2022 của Thành phố ước đạt 15,38% (so với chỉ tiêu của năm 2022 là 15%). Thành phố xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Không cần 'cao siêu' mà cần hiệu quả - Ảnh 4.

Trao giải Hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TPHCM cho các đơn vị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Đối với ứng dụng AI, ông Thắng cho biết, trọng tâm của Thành phố sẽ đặt ở lĩnh vực hành chính công. Trong thời gian vừa qua, cũng đã có nhiều cơ quan hành chính ứng dụng khá tốt AI, điển hình như Quận 2 với dịch vụ "Định danh khách hàng điện tử" để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; quận Bình Tân, Quận 12 ứng dụng AI trong quản lý trật tự xây dựng; Công an Thành phố ứng dụng AI trong hệ thống camera; Sở TT&TT ứng dụng AI trong hệ thống Tổng đài 1022 đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19…

Tuy nhiên, ông Thắng thừa nhận, việc ứng dụng AI trong khu vực hành chính công TPHCM vẫn chưa thật sự có tính hệ thống, bài bản, đồng bộ và chưa nhiều.

"Vì vậy, Sở TT&TT Thành phố mong muốn trở thành cầu nối để gắn kết 3 "nhà": Cơ quan quản lý nhà nước, nhà nghiên cứu đến từ các trường, viện và doanh nghiệp trong việc đưa giải pháp AI đi vào thực tế cuộc sống", Giám đốc Sở TT&TT bày tỏ.

Tại Hội thảo, Sở TT&TT đã công bố 10 bài toán AI trọng tâm của Thành phố trên nhiều lĩnh vực như TN&MT, xây dựng, GTVT, Tổng đài 1022. Đây là bước khởi đầu cho lộ trình định kỳ hằng năm, Sở TT&TT sẽ công bố các bài toán CNTT, AI của Thành phố để nhà trường, doanh nghiệp nghiên cứu, giảng dạy, đầu tư sát với nhu cầu thực tiễn.

    1. Ứng dụng AI trong việc hỗ trợ lập kế hoạch và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tại TPHCM.

    2. Ứng dụng AI trong việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc liên quan đến hoạt động thanh tra.

    3. Ứng dụng AI trong việc xác định giá trị đất.

    4. Ứng dụng AI trong việc quản lý chất thải rắn.

    5. Ứng dụng AI trong hệ thống giám sát đường sắt đô thị.

    6. Ứng dụng AI trong việc dự đoán nhu cầu di chuyển của hành khách đi Metro.

    7. Ứng dụng AI trong điều hành giao thông.

    8. Ứng dụng AI trong dự báo lan truyền dịch bệnh dựa theo dữ liệu GIS và các yếu tố dịch tễ.

    9. Ứng dụng AI trong việc hỗ trợ lãnh đạo xử lý văn bản hành chính.
    10. Ứng dụng AI cho tổng đài 1022.

Anh Thơ

Top