Ứng xử thế nào khi coi COVID-19 là bệnh thông thường?

17/03/2022 5:16 PM

(Chinhphu.vn) - PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho rằng sắp tới đây, khi coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, bệnh thông thường thì ý thức, trách nhiệm của người dân là quan trọng nhất.

Ứng xử thế nào khi coi COVID-19 là bệnh thông thường? - Ảnh 1.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới có kế hoạch cho việc coi COVID-19 là bệnh thông thường. Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng cần tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, bệnh thông thường.

Đặc biệt, trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 13 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu các ngành, các cấp phải tiếp tục đề cao cảnh giác tuyệt đối không lơ là, chủ quan; phải luôn bám sát tình hình, thực tiễn để chủ động có biện pháp phù hợp phòng, chống dịch bảo đảm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19" theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128 của Chính phủ, từng bước "bình thường hóa" với dịch bệnh COVID-19.

Trả lời Báo Điện tử Chính phủ về thời điểm "bình thường hóa" với dịch bệnh COVID-19, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho rằng giai đoạn này là hợp lý. Tuy nhiên, theo ông, đối với nước ta, để chuyển sang ứng xử với COVID-19 như bệnh thông thường thì phải đảm bảo một số yếu tố.

Đầu tiên là đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho mọi người. Tính đến ngày 15/3, cả nước đã tiêm trên 200,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có trên 69 triệu người đã tiêm hai mũi.

Thứ hai, theo ông Dũng, tuyên truyền khuyến khích người dân ý thức phòng, chống dịch. Bởi vì khi chúng ta xem đó là một bệnh thông thường thì không bắt buộc người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch bằng luật định. Lúc đó chỉ khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân, ví dụ như 5K.

Thứ ba, xây dựng hệ thống phát hiện sớm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hệ thống điều trị sớm. Trong đó có việc chuẩn bị lượng thuốc kháng virus cho các tình huống sắp tới. Khi người dân đã tiêm vaccine đủ điều thì tỉ lệ lây nhiễm và tỉ lệ chuyển nặng đều giảm. Cộng thêm thuốc kháng virus thì tình hình sẽ cải thiện hơn.

Thứ tư, giám sát y tế chặt chẽ. COVID-19 khả năng có nhiều biến chủng, tức là một hình thức virus đối phó. Do vậy phải theo dõi dịch tễ học, đánh giá tình hình tăng/giảm ca nhiễm, sự xuất hiện của các biến chủng mới, nguồn gốc từ đâu…

Cuối cùng là xây dựng tiêu chí an toàn và yêu cầu thực hiện tại các cơ quan, công sở như trường học, nhà máy, xí nghiệp… Khi coi COVID-19 là bệnh đặc hữu không có nghĩa là đối xử với nó như các bệnh bình thường, mà phải có phương án dự phòng, không để xảy ra tình trạng gián đoạn học tập, gián đoạn sản xuất vì COVID-19.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, chúng ta đã có cơ sở dữ liệu của y học quốc tế cho thấy tỉ lệ trở nặng và tỉ lệ tử vong ở người tiêm chủng đủ mũi là thấp. Do vậy với người không có bệnh lý nền thì sinh hoạt, tham gia hoạt động xã hội bình thường.

Tuy nhiên ở góc độ xã hội, một người bị nhiễm COVID-19 sẽ gây ra những tổn thất lao động cho xã hội vì người đấy có thể lây nhiễm cho người khác, dẫn tới những khả năng phải hạn chế tiếp xúc. Chưa kể những người có bệnh lý nền khi trở nặng cần được chăm sóc y tế, đến lúc nào đó có thể gây quá tải cho hệ thống y tế. Đó là những tổn thất xã hội có thể thấy rõ.

Trong khi ở góc độ dịch tễ học, khi lây truyền nhiều sẽ tạo ra biến chủng mới. Đó là một số quan ngại. Nhưng trong điều kiện hiện nay, ông Dũng cho rằng với đa số người dân thì COVID-19 không còn là vấn đề lớn. Mặc dù có di chứng hậu COVID-19 nhưng  nhẹ, không đáng kể.

Điều mấu chốt nhất, theo ông Dũng, khi chúng ta xem COVID-19 là một bệnh thông thường thì ý thức, trách nhiệm với cộng đồng của mỗi người dân rất quan trọng. Hiện nay một số quốc gia không bắt buộc người nhiễm COVID-19 phải cách ly nhưng họ đưa ra khuyến cáo người nhiễm nên tự cách ly. Chúng ta cũng nên như vậy, tuyên truyền để người dân làm quen với cách ứng xử mới khi coi COVID-19 là bệnh thông thường. Nếu người dân buông lỏng, không còn thực hiện 5K, để mặc cho COVID-19 lây nhiễm cộng đồng thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội.

Băng Tâm

Top