Vai trò của Công đoàn trong giải quyết tranh chấp lao động và đình công

27/01/2015 10:30 PM

(HCM CityWeb) - Ngày 27-1, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng Viện Frienrich Ebert (Đức) tổ chức hội thảo “Công đoàn tham gia phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động và đình công - thực trạng và giải pháp” với sự tham dự của cán bộ Công đoàn các tỉnh, thành trong cả nước.

Theo ông Lê Trọng Sang, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động tập thể chủ yếu do người sử dụng lao động chi trả tiền lương thấp, không xây dựng và đăng ký thang bảng lương,…theo đúng quy định của pháp luật và vi phạm trong chính sách về BHXH, BHYT, người sử dụng lao động hay tổ chức tăng ca, làm thêm giờ liên tục. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do người lao động hiện nay đa phần xuất thân từ nông thôn văn hóa chưa cao, chưa có kỹ năng tay nghề, tác phong công nghiệp, trình độ và kỹ năng làm việc còn hạn chế. Khi làm việc trong môi trường công nghiệp với những qui định kỷ luật lao động nghiêm ngặt người lao động dễ bị kích động, bức xúc, tự tụ tập nhau lại để đấu tranh bằng cách ngừng việc tập thể và đình công. Một nguyên nhân nữa là do trình độ của cán bộ công đoàn cơ sở còn hạn chế nên chưa phát huy hiệu quả… 

Để ngăn ngừa, hướng các cuộc ngừng việc tập thể và đình công đi vào khuôn khổ pháp luật, tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể; tăng cường chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp, người lao động; tổ chức Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở cần chủ động đôn đốc, phối hợp cùng người sử dụng lao động thực hiện tốt việc đối thoại định kỳ, hội nghị người lao động, quy chế dân chủ tại nơi làm việc để các bên gặp gỡ, trao đổi thông tin, giải đáp thắc mắc, bức xúc và củng cố mối quan hệ hợp tác trong doanh nghiệp 

Được biết, những năm gần đây, tình hình tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể  và đình công ngày càng giảm. Năm 2014, chỉ xảy ra 293 cuộc ngừng việc tập thể  và đình công, chỉ bằng khoảng 25% so với năm 2011 (993 cuộc). Nguyên nhân do các cấp Đảng, chính quyền, hệ thống công đoàn, các DN đã tích cực thực hiện Chỉ thị 22/CT-TW về xây dựng Quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có nhiều biện pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Chính quyền địa phương nhiều nơi xây dựng nhà trẻ, trường học cho con công nhân lao động; hỗ trợ người lao động khi khó khăn. Nhiều DN đã phối hợp cùng công đoàn để chăm lo cho người lao động, cùng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Minh Dung

Top