Vận dụng Nghị quyết 98, xây dựng TPHCM thành địa phương đi đầu trong tăng trưởng xanh

06/09/2023 2:21 PM

(Chinhphu.vn) - Vận dụng các quy định tại Nghị quyết 98 của Quốc hội, TPHCM hoàn toàn có thể xây dựng đề án huy động trái phiếu xanh (TPX) của chính quyền địa phương, khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh phục vụ các mục tiêu, chương trình, dự án xanh đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh.

Vận dụng Nghị quyết 98, xây dựng TPHCM thành địa phương đi đầu trong tăng trưởng xanh - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, vận dụng các quy định tại Nghị quyết 98 của Quốc hội, TPHCM hoàn toàn có thể xây dựng đề án huy động trái phiếu xanh. Ảnh: VGP/Lê Dung

Đây là nhận định được nhiều chuyên gia nêu ra tại hội thảo "Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon" do Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức ngày 6/9.

Chia sẻ tại hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, Nghị quyết 98 có hiệu lực từ ngày 1/8 đã mở ra một số cơ hội cho TPHCM, bao gồm quy chế mới trong quản lý ngân sách nhà nước và thí điểm thị trường carbon.

Bà Hà cho rằng Thành phố cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) cho biết, hiện nay, các thị trường tài chính trên thế giới đã nhanh chóng nắm bắt xu thế phát triển xanh, sạch và đưa ra nhiều công cụ tài chính tương ứng. Trái phiếu xanh chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, vận tải zero carbon, xử lý rác thải...

Riêng đối với TPHCM, TS. Trần Văn cho rằng, với mục tiêu xây dựng TPHCM thành thành phố tăng trưởng xanh, vận dụng các quy định tại Nghị quyết 98/2023/ QH15 của Quốc hội, TPHCM hoàn toàn có thể xây dựng đề án huy động trái phiếu xanh của chính quyền địa phương, khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh.

Theo gợi ý của TS. Trần Văn, TPHCM có thể phát hành trái phiếu xanh của chính quyền địa phương, để đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo, như điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ; dự án chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo; các dự án đốt rác phát điện; các dự án nạo vét, hồi sinh kênh, rạch, bờ kè; các dự án chống ngập, các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, áp dụng công nghệ hướng đến giao thông xanh; hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường…

Để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho các DN cũng như triển khai rộng rãi tài chính xanh, TS. Trần Văn kiến nghị TPHCM cần ban hành các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, đòn bẩy kinh tế cho thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh để động viên, khuyến khích sự tham gia của người dân và doanh nghiệp thông qua việc giảm lãi suất, cam kết mua lại trái phiếu…

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam cho rằng, để giảm phát thải từ lĩnh vực năng lượng, TPHCM cần có cơ chế đặc thù, nhất là khi thực hiện Quy hoạch điện VIII…

Đại diện Deloitte nêu một bài học từ Singapore mà TPHCM có thể học tập. Đó là việc Singapore chi 5 triệu USD xây dựng trung tâm dữ liệu, đảm bảo đầy đủ toàn bộ nội dung liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh. Từ đây, các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng có đủ thông số đánh giá dự án xanh, phát triển bền vững. "Tiền đầu tư cho trung tâm này không quá nhiều và các nguồn tài trợ cũng sẵn sàng nếu chúng ta thực sự bắt tay vào làm", bà Ngọc gợi mở.

Vận dụng Nghị quyết 98, xây dựng TPHCM thành địa phương đi đầu trong tăng trưởng xanh - Ảnh 2.

TPHCM xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu trong phát triển xanh. Ảnh: VGP/Anh Lê

Cũng theo đề xuất của các chuyên gia, TPHCM có thể bắt đầu bằng việc công bố danh mục các dự án xanh với đầy đủ thông tin, tổng mức đầu tư, đánh giá của các định chế tài chính, tư vấn độc lập, cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn xanh, việc huy động vốn, ấn định lãi suất, thời hạn trả nợ trên cơ sở hiệu quả tổng hợp đầu ra của dự án… Từ đó lên kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu chính quyền xanh hay trái phiếu xanh do doanh nghiệp dự án phát hành

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, nhận thức của TPHCM là Thành phố cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho năng lực kinh tế Thành phố, đóng góp cho kinh tế cả nước.

TPHCM xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận lãnh những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.

Thời gian qua, TPHCM đánh giá trong định hướng chung, khung pháp lý chung của cả nước về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững chưa nhiều. Do đó TPHCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Khung chiến lược này sẽ chính thức công bố vào Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2023 diễn ra vào tháng 9/2023 này.

Anh Lê

Top