Văn học, nghệ thuật của TPHCM luôn tiên phong đi đầu trong quá trình hội nhập

17/04/2025 7:46 AM

(Chinhphu.vn) - Trong hành trình phát triển 50 năm qua, các hoạt động văn học, nghệ thuật của TPHCM luôn tiên phong đi đầu trong quá trình hội nhập, sáng tạo nhưng vẫn bảo đảm việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, hình thành nét đặc trưng của văn hóa, văn học, nghệ thuật Thành phố.

Văn học, nghệ thuật của TPHCM luôn tiên phong đi đầu trong quá trình hội nhập- Ảnh 1.

Tọa đàm “50 năm văn học, nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai”. Ảnh: VGP/LA

Chiều 16/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM tổ chức tọa đàm "50 năm văn học, nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai" nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn khẳng định, sau 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, cùng với sự phát triển chung của cả nước, TPHCM hiện là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, là nơi có nền văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển năng động, sáng tạo. Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn quan tâm và xem việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người thành phố là xây dựng nền tảng tinh thần, từ đó làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.

Nhìn lại trình phát triển 50 năm, lĩnh vực văn học, nghệ thuật tại TPHCM đạt được nhiều thành tựu. Hiện Thành phố được xem là trung tâm điện ảnh của cả nước. Lĩnh vực sân khấu với những tác phẩm kịch nói kinh điển, niềm tự hào của nền nghệ thuật kịch thành phố. Những tác phẩm gắn liền với hai thế hệ nghệ sĩ vàng như NSND Kim Cương (vở Lá sầu riêng), NSND Kim Xuân (vở Ngôi nhà không có đàn ông), NSƯT Thành Lộc với hàng loạt vở diễn nổi tiếng...

Nghệ thuật Sân khấu cải lương, nhiều nghệ sĩ khẳng định tên tuổi và tài năng ca diễn vang danh đất nước, như: Các NSND Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương, Trọng Hữu, Thanh Tuấn... với các vở diễn Đời cô Lựu, Tiếng trống Mê Linh, Người ven đô...

Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận tập trung vào các vấn đề, như: Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật; giải pháp gắn kết giữa phát triển văn học, nghệ thuật với ngành Du lịch, dịch vụ, hình thành các chương trình, sản phẩm văn hóa, du lịch xứng tầm, mang nét đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về giải pháp xây dựng công nghiệp văn hoá tại TPHCM cũng như tác động của phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật…

Chia sẻ tại tọa đàm, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, các hoạt động văn học nghệ thuật của TPHCM trong 50 năm sau ngày đất nước thống nhất cơ bản đã bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong từng giai đoạn, văn học nghệ thuật đã đồng hành sâu sắc, cổ vũ, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong tình hình mới.

Văn học, nghệ thuật của TPHCM luôn tiên phong đi đầu trong quá trình hội nhập- Ảnh 2.

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - Ảnh: VGP/LA

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM vươn tầm thế giới

Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và sự giao thoa văn hóa mang tính toàn cầu, Thành phố đã kịp thời hoạch định chủ trương về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố và xu thế phát triển của thời đại.

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy nêu một số giải pháp triển khai đề án "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2035".

Theo đó, gắn mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa với định hướng xây dựng đô thị sáng tạo. TPHCM đang đăng ký gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh… được nhìn nhận như mục tiêu phát triển của thành phố nhằm nâng tầm Thành phố tới vị thế một đô thị toàn cầu, đóng góp cho phát triển bền vững của đất nước, của khu vực và thế giới.

Hiện nay, TPHCM được xem là trung tâm điện ảnh của cả nước, hiện nay trên địa bàn Thành phố có hơn 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có 30 cơ sở hoạt động thường xuyên. Toàn thành phố có 38 cụm rạp chiếu phim với hơn 200 phòng chiếu, phục vụ hơn 4 triệu lượt khán giả/năm. Thành công của điện ảnh TPHCM trong thời gian qua là phát huy tốt nguồn lực xã hội hóa. Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần đầu tiên tổ chức vào năm 2024 với sức hút lớn từ các nhà làm phim quốc tế tên tuổi, với số lượng phim tham gia lên đến hơn 400 phim từ các quốc gia.

Lê Anh

Top