Vì sao phân loại rác tại nguồn vẫn khó thực hiện?

24/08/2022 9:09 AM

(Chinhphu.vn) - Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó tăng nặng mức phạt tiền đối với hành vi không phân loại rác thải. Chế tài đã có nhưng việc triển khai xử lý vi phạm tại TPHCM được cho là còn nhiều khó khăn, trở ngại trong thực tế.

Vì sao phân loại rác tại nguồn vẫn khó thực hiện? - Ảnh 1.

Rác thải tại một số khu vực ở TPHCM hiện vẫn xả tràn lan không qua phân loại - Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Người dân thờ ơ với phân loại rác

Sau nhiều năm thực hiện cuộc vận động "Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước" và thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Ngoài một số cơ quan, đơn vị, công sở, trường học, siêu thị, các chuỗi cà phê lớn… quan tâm triển khai thực hiện thì hầu hết người dân trên địa bàn Thành phố vẫn chưa thực sự chú ý đến việc phân loại rác tại nguồn.

Hiện hầu hết tại các khu dân cư trên địa bàn Thành phố, các loại rác thải từ vô cơ, hữu cơ đến rác thải y tế (bông gạc, khẩu trang…) được tập kết vào các thùng rác cỡ lớn hoặc các vật dụng như thùng xốp, bao bì… Người dân đã quen với việc để chung các loại rác, nhiều người khi được hỏi đến việc phân loại thì tỏ ra bất ngờ hoặc thờ ơ.

Chị Duyên, ngụ Quận 4 than thở: "Gia đình tôi có 4 người, 2 người lớn và 2 trẻ nhỏ nhưng thuê phòng diện tích chỉ 27 m², không gian để sinh hoạt còn chưa đủ huống gì bỏ thêm mấy thùng rác. Trước giờ tôi chỉ tách riêng các chai, lọ có thể tái chế để cho mấy người ve chai còn các loại rác khác tôi bỏ chung một chỗ. Khu nhà tôi toàn lao động nghèo nên ít ai phân loại rác".

Còn theo chị Trang, ngụ quận Tân Bình, chị sinh sống ở nhiều khu nhà trọ khác nhau nhưng chưa thấy ở đâu thực hiện việc phân loại rác, hầu hết mọi người đều để chung vào nhau. Bản thân chị thấy việc phân loại rác ở TPHCM vẫn khó thực hiện vì chưa có sự đồng nhất giữa đơn vị thu gom và ý thức người dân. 

Vì sao phân loại rác tại nguồn vẫn khó thực hiện? - Ảnh 2.

Phường Tân Thới Nhất, Quận 12 tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc phân loại rác tại nguồn - Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Hạ tầng thu gom rác phải đồng bộ

Nghị định 45 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022. Đến thời điểm này, nhiều địa phương tại TPHCM vẫn đặt công tác tuyên truyền, vận động lên hàng đầu và đang chờ Thông tư hướng dẫn cụ thể để triển khai.

Ông Ngô Xuân Bình - Chủ tịch UBND Phường 3, quận Gò Vấp nhận định, Nghị định của Chính phủ là đúng nhưng cái khó vẫn là quá trình thực hiện. Do đó, phường đang chờ tập huấn để biết cách thức triển khai.

Theo ông Bình, bước đầu để thực hiện Nghị định 45 vẫn là tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân bởi theo ông, bất cập hiện nay là các phương tiện thu gom chưa được chuẩn hóa, chủ yếu xe lôi, thô sơ nên người dân phân loại xong thì người thu gom lại bỏ chung một xe và dẫn đến phản ứng, không đồng tình. 

Mặt khác, việc một bộ phận người dân chưa phân loại rác được là do chưa có kiến thức, diện tích nhà hẹp… "Tôi thấy quan trọng nhất vẫn là phương tiện thu gom, nếu phương tiện đạt chuẩn, người thu gom kiên quyết không thu gom của những người không phân loại thì 2, 3 ngày người ta sẽ tự giác phân loại", ông Bình nói.

Còn bà Vũ Thị Như Xuân - Chủ tịch UBND Phường 12, quận Tân Bình cho biết, khi triển khai thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM về thực hiện Cuộc vận động "Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước" và triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn, mỗi phường thí điểm phân loại, thu gom rác ở một vài tuyến đường nhưng vẫn chưa mang lại kết quả tốt vì công tác thu gom còn hạn chế.

"Chủ trương rất hay và đúng nhưng chưa làm được, tôi nghĩ nên chú trọng vào công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng ý thức cho người dân", bà Xuân nêu ý kiến và kiến nghị nên đầu tư trang thiết bị thu gom rác phù hợp với việc triển khai phân loại rác, đồng thời thiết lập quy trình thu gom, ví dụ thu gom rác hữu cơ ngày nào, vô cơ ngày nào đồng bộ trên toàn Thành phố.

Vừa qua, UBND Phường 12 đã tăng cường công tác tuyên truyền về phân loại rác bằng tờ bướm, hình ảnh, hội thi... Đặc biệt, chú trọng đưa nội dung tuyên truyền, làm clip minh họa vào trường học để các em học sinh hình thành ý thức và nhắc các thành viên trong gia đình.

Vì sao phân loại rác tại nguồn vẫn khó thực hiện? - Ảnh 3.

Nhiều hoạt động tuyên truyền, trao tặng thùng rác cho người dân trên địa bàn TPHCM - Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Tại Quận 12, theo Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất Nguyễn Hoàng Hùng, cần xem xét thời điểm áp dụng Nghị định 45, chưa nên triển khai xử lý người không phân loại rác từ ngày 25/8. Ông Hùng cho rằng, muốn phân loại rác hiệu quả thì hướng dẫn luật phải rõ, cụ thể; cùng với đó phải đầu tư cơ sở hạ tầng thu gom rác tương thích khi người dân triển khai.

Cạnh đó, công tác tuyên truyền phải thực sự sâu sát với người, không nói chung chung và bản thân mỗi người cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên phải là người đầu tiên thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn.

"Xử phạt đánh vào túi tiền người dân sẽ có tác dụng ngay, vì một biên bản xử phạt hiệu quả hơn cả chục cuộc tuyên truyền nhưng thời điểm này áp dụng thì chưa thích hợp. Phải làm sao để người dân thấy rõ lợi ích của việc phân loại rác trước khi triển khai xử phạt", ông Hùng nói thêm.

Nguyễn Kim

Top