Vươn tới khát vọng thịnh vượng, hùng cường

02/09/2022 10:55 AM

(Chinhphu.vn) - Việt Nam là “một dân tộc đã gan góc” vượt qua hơn 80 năm nô lệ để giành tự do, độc lập, thì không gì có thể cản trở nổi dân tộc đó trên chặng đường vươn tới khát vọng thịnh vượng và hùng cường.

Vươn tới khát vọng thịnh vượng, hùng cường - Ảnh 1.

Không gì có thể cản trở nổi Việt Nam, "một dân tộc gan góc", vươn tới khát vọng thịnh vượng và hùng cường

Năm 1945, Đại chiến thế giới lần thứ II đi vào kết thúc với thắng lợi của các lực lượng dân chủ cùng phe Đồng minh để đánh bại phe phát xít; thế giới có thêm nhiều quốc gia độc lập ra đời. Ở khu vực Đông Nam Á, lần đầu tiên xuất hiện một quốc gia hoàn toàn mới với tên đầy đủ là Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trên bản đồ, đất nước vừa "giũ bùn đứng dậy sáng lòa" ấy chỉ ghi hai chữ Việt Nam và ở chấm đỏ đánh dấu thủ đô Hà Nội, chiều ngày 2/9 phát đi lời Tuyên ngôn Độc lập khẳng định "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!".

Thực ra trong lịch sử chống chế độ áp bức, không thiếu các dân tộc "gan góc" đấu tranh, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thế giới khi các đế quốc bận lao vào xâu xé tranh giành thuộc địa và ảnh hưởng, nhiều dân tộc thuộc địa và lệ thuộc đã chớp thời cơ chung để vùng dậy giải phóng mình. Điều đáng chú ý nhất lúc này là trong hoàn cảnh chung và điều kiện mới của Chiến tranh thế giới lần thứ II, có một dân tộc Việt Nam "đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm", nay lại "gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít".

Gan góc suốt gần 30 năm chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp (1858-1884); gan góc suốt hơn 40 năm chống đàn áp và ách cai trị, bóc lột của thực dân đế quốc (1885-1929); gan góc suốt 15 năm chống 3 tầng áp bức, một cổ hai tròng nô lệ của cả thực dân đế quốc và phát xít trên chính đất nước mình (1930-1945). Sự gan góc ấy là hành trang và cơ sở chắc chắn để cách mạng Việt Nam "đứng về phe Đồng minh chống phát xít".

Từ tháng 5/1941, Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) đã ra đời tập hợp lực lượng theo phương châm "Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh", hình thành sức mạnh quật khởi của toàn dân tộc. Đứng về phe Đồng minh và trở thành "một bộ phận dân chủ chống phát xít", Việt Minh với phong trào du kích chiến tranh ở các vùng căn cứ đã phá hoại hậu phương của chủ nghĩa phát xít ở Đông Dương; đồng thời khi thời cơ đến, chớp thời cơ nghìn năm có một, Đảng quyết định phát động Tổng khởi nghĩa, Việt Minh đảm đương lực lượng chính yếu tại Quốc dân Đại hội nêu cao ý chí quyết tâm "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".

Trong vòng nửa tháng, như Tuyên ngôn Độc lập viết: "Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để lập nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa".

Lần đầu tiên, "một dân tộc đã gan góc" đứng lên tự giành lấy nền tự do độc lập và chế độ dân chủ cộng hòa; cũng là lần đầu tiên với tư cách dân tộc tự do dân chủ cộng hòa, Việt Nam tuyên bố "thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam". Sự đoạn tuyệt hoàn toàn với chế độ thực dân áp bức dân tộc như thế còn gắn liền với lời thể của "Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

Hiển nhiên là từ lời thế đó, dân tộc đã gan góc dựng nên nền cộng hòa, thì cũng gan góc bảo vệ và phát huy nền cộng hòa.

Ở Sài Gòn chiều ngày 2/9 đầu tiên, ngay khi có tiếng súng bắn vào người dự lễ, quần chúng tự vệ lập tức ra tay truy lùng và trừng trị những kẻ gây rối. Ở Hà Nội và các nơi khác những ngày đầu giành độc lập, trước những khó khăn chồng chất của tình thế cách mạng ngàn cân treo sợi tóc, người dân trên mọi miền đất nước lại sẵn lòng ủng hộ "Tuần lễ vàng", "Quỹ Độc lập" theo tinh thần "người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều" vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc…

Trong 30 năm kháng chiến trường kỳ (1945-1975), những thần dân yêu nước của dân tộc gan góc ấy đã chiến đấu với tinh thần "Độc lập hay là chết", "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", "Nhằm thẳng quân thù mà bắn", "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt", "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"…

Đất nước vừa thống nhất, non sông vừa liền một giải, hai đầu biên giới lại áp sát những mưu toan kiềm chế và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ. Lại thêm những gian nan thử thách khi bị bao vây cấm vận, bão lũ và thiên tai; cả cơ chế cũ, thói quen cũ, nền nếp cũ, tư duy cũ cũng trở thành "nhân tai" đẩy đất nước vào khủng hoảng. Nhưng với "một dân tộc đã gan góc", đã từng "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", thì "chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi". Người ở biên cương "Sống bám đá, chết hóa đá"; người ở hải đảo cuốn lá cờ Tổ quốc vào bụng "để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng" và "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo"; người ở tuyến sau trên khắp các địa phương luôn tìm tòi khám phá, tháo gỡ khó khăn, dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo, mở đường đi tới.

Gần nhất là sự xuất hiện của Đại dịch trên toàn cầu khiến cho không quốc gia nào thoát khỏi khủng hoảng y tế; trong khoảng hai năm liên tiếp bị 4 đợt dịch tấn công dồn dập, Việt Nam lần đầu tiên phải ứng phó theo cách thức "chống dịch như chống giặc", nhất là ở trọng điểm Thành phố Hồ Chí Minh có đỉnh dịch trùng với dịp kỷ niệm quốc khánh. Người dân của đất nước rất gan góc trong kháng chiến chống ngoại xâm, nay gan góc trước diễn biến tình hình phơi nhiễm tăng lên hằng ngày; ai cũng cố gắng góp sức chung tay chống dịch.

Ngay sau đó và đồng thời với quá trình căng sức chống dịch, đất nước lại cần nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong khởi nghĩa tháng Tám năm xưa, nay chuyển thành tấm lòng thương người như thể thương thân trong phòng chống đại dịch; sức mạnh quật khởi của đông đảo quần chúng xông lên phá kho thóc cứu nạn đói năm xưa, nay chuyển thành sự chia xẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong từng hoàn cảnh khó khăn khi COVID-19 hoành hành. Vậy nên trong và sau dịch, kinh tế Việt Nam không có tăng trưởng âm, lại có nhiều điểm sáng và dự báo khả quan; bệnh viện dã chiến trả lại không gian cho trường học vào mùa khai giảng; hộ chiếu vaccine đã đồng hành với khách du lịch trong và ngoài nước tăng lên hằng ngày…

Như thế nhìn lại gần 80 năm kể từ ngày khẳng định "dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!", có biết bao thử thách và gian nguy, nhiều khó khăn hiểm nghèo và không ít tình huống éo le phức tạp… Việt Nam là “một dân tộc đã gan góc” vượt qua hơn 80 năm nô lệ để giành tự do, độc lập, thì không gì có thể cản trở nổi dân tộc đó trên chặng đường vươn tới khát vọng thịnh vượng và hùng cường.

Hà Minh Hồng

Top