Vướng mắc của DN: Không phải bây giờ mới nghe nhưng sao giờ vẫn còn nghe?

31/08/2022 3:10 PM

(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng hiện nay của doanh nghiệp không phải bây giờ chúng ta mới nghe thấy nhưng tại sao đến bây giờ vẫn còn nghe? Vì vậy, phải cùng nhau suy nghĩ một cách nghiêm túc để có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Vướng mắc của DN: Không phải bây giờ mới nghe nhưng sao giờ vẫn còn nghe? - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh điều này tại Hội nghị đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp Thành phố sáng 31/8.

Tiếp nhận các ý kiến của doanh nghiệp, người đứng đầu Thành ủy cho biết, chủ đề của Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố năm 2021-2022 là "Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư", trong đó cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, mỗi công chức, cán bộ, nhất là người đứng đầu cam kết làm đúng vai trò của mình, làm đúng và làm tốt nhiệm vụ được giao.

Nhắc lại ý kiến của đại diện doanh nghiệp cho rằng một số cán bộ, công chức chưa thực sự dấn thân, không dám đột phá cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn một cách nhanh nhất có thể, Bí thư Thành ủy nêu rõ các cán bộ, công chức cần mạnh dạn thực thi nhiệm vụ của mình bởi đã có cơ chế bảo vệ cán bộ hành động vì lợi ích chung, nếu có sai phạm, rủi ro sẽ được cân nhắc xem xét.

Bí thư Thành ủy cũng thông báo với cộng đồng doanh nghiệp Thành phố đã thành lập một ban chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng có liên quan đến doanh nghiệp và người dân nhằm có một bộ phận gần như chuyên trách giải quyết những vấn đề này.

Vướng mắc của DN: Không phải bây giờ mới nghe nhưng sao giờ vẫn còn nghe? - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Ngoài ra, Thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực với chức năng trọng tâm là phòng ngừa những tiêu cực, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đôn đốc để hệ thống hành chính vận hành một cách minh bạch, có sự giám sát của nhân dân, giám sát của các cơ quan công quyền, hạn chế tối đa nhũng nhiễu, tiêu cực và nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm.

Từ đó, Bí thư Thành ủy đề nghị UBND Thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số theo tinh thần mà Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đã cam kết, đó là phấn đấu cùng doanh nghiệp tạo chuyển biến thực sự về thủ tục hành chính, phân công, phân cấp rạch ròi; giao cho một cơ quán theo dõi, giám sát, hỗ trợ, chia sẻ, tiếp nhận thông tin, kịp thời tháo gỡ, báo cáo đề xuất, kiến nghị và chuyển lại thông tin cho phía doanh nghiệp.

"Tôi đề nghị có thể giao lĩnh vực này cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thành phố, phải hành động thiết thực, bằng trách nhiệm cụ thể, rõ ràng nhằm biết được tâm tư, tình cảm, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ", ông Nên cho hay.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy đề nghị HĐND, MTTQ, đoàn ĐBQH tiếp tục tăng cường các chương trình giám sát, đổi mới công tác giám sát, giám sát chuyên đề, giám sát nhanh, tiếp nhận kịp thời các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ.

Cũng theo người đứng đầu Thành ủy, các doanh nghiệp, hội doanh nghiệp, các chi hội cũng cần làm tốt chức năng của mình. Với tinh thần mỗi cấp, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức phải làm đúng và làm tốt công việc của mình thì Thành phố cũng sẽ có chuyển biến tích cực.

Vướng mắc của DN: Không phải bây giờ mới nghe nhưng sao giờ vẫn còn nghe? - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Đánh giá trách nhiệm các sở, ngành chậm trễ

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thời gian quan, Thành phố đã rất nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động. Tuy nhiên, lấy ví dụ về khu công nghệ cao, ông Mãi cho rằng Thành phố dù đã nỗ lực nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, có làm nhưng chưa thực sự đồng bộ, chưa kịp thời và hiệu quả.

Trên cơ sở đó, theo người đứng đầu chính quyền Thành phố, phải minh bạch hồ sơ, thủ tục, quy trình. Bên cạnh đó, phải minh bạch trách nhiệm. Hằng tháng, Thành phố sẽ tổng hợp xem sở nào còn tồn bao nhiêu công việc để đến cuối năm đánh giá trách nhiệm đối với đơn vị đó.

Thành phố cũng đã công bố nền tảng số tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, nền tảng này nhận được 212 ý kiến, đến giờ còn 24 ý kiến chưa được trả lời. Tuy nhiên, ông Mãi thừa nhận, nền tảng này chưa tiếp cận được hết với các hiệp hội, doanh nghiệp nên sắp tới sẽ được củng cố lại. Thêm vào đó, trong tháng 9, sẽ hoàn thiện và công bố rộng rãi mục "Doanh nghiệp góp ý" trên Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Về ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động chính quyền của các cơ quan hành chính thì hiện tại, UBND Thành phố đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai nền tảng gồm 3 tiện ích: Theo dõi phản ánh của người dân và doanh nghiệp; điều hành về KT-XH; theo dõi tiến độ giao việc của Chủ tịch UBND Thành phố cho các sở, ngành.

Về giải quyết các vấn đề tồn đọng, Thành phố đã tiếp nhận, rà soát, phân nhóm và thành lập các tổ công tác. Từ những đầu mối này, Thành phố sẽ giám sát và thực hiện theo tiến độ, ông Mãi cho biết.

Anh Thơ

Top